Ngày 26/10, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 7 thẩm tra báo cáo của Chính phủ về rà soát quy hoạch tổng thể thủy điện theo Nghị quyết số 40/2012/QH của Quốc hội.
Qua rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện trên địa bàn cả nước, Chính phủ đã đồng ý loại khỏi quy hoạch 6 dự án thủy điện bậc thang và 418 dự án thủy điện nhỏ do hiệu quả thấp và có nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường, xã hội; không xem xét quy hoạch 172 vị trí tiềm năng thủy điện; tạm dừng có thời hạn 136 dự án; tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án.
Như vậy, cả nước hiện còn lại 815 dự án, công trình thủy điện; trong đó đang vận hành 268 dự án, đang thi công xây dựng và dự kiến khai thác từ nay đến năm 2017 là 205 dự án trên tổng số 1.239 dự án đã được quy hoạch.
Theo báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, chất lượng quy hoạch thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ rất hạn chế; không ít dự án bị loại bỏ, thiếu khả thi, phải điều chỉnh sơ đồ khai thác và quy mô trong quá trình đầu tư; số lượng dự án thủy điện nhỏ khá lớn nhưng đóng góp không nhiều về công suất phát điện.
Nếu tính thêm số các dự án tạm dừng, tiếp tục đánh giá thêm tác động môi trường, kinh tế-xã hội và hiệu quả đầu tư, quy hoạch thủy điện nhỏ sẽ bị điều chỉnh khá nhiều. Số lượng các dự án thủy điện nhỏ trong quy hoạch là rất lớn (gần 90%) nhưng đóng góp về tổng công suất của các dự án này không nhiều (khoảng 26%) và tỷ trọng này sẽ thấp hơn nữa nếu một số dự án này bị loại bỏ khỏi quy hoạch (418 dự án, tổng công suất lắp máy 1.174 MW). Các dự án, vị trí thủy điện tiềm năng bị đưa ra khỏi quy hoạch vì 2 lý do chính: hiệu quả đầu tư thấp, không có nhà đầu tư quan tâm; có tác động xấu đến môi trường và kinh tế-xã hội.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện, vận hành khai thác các công trình thủy điện theo Nghị quyết số 40/2012/QH13 Quốc hội khóa XIII.
Nhiều ý kiến cho rằng, báo cáo của Chính phủ đã xác định được cách xử lý đối với từng dự án. Tuy nhiên, việc rà soát quy hoạch tổng thể thủy điện cho thấy việc quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, việc phát triển năng lượng là một chủ trương lớn, từ lâu đã được Đảng, Nhà nước quan tâm. Ở Việt Nam, thủy điện đóng vai trò rất quan trọng đối với bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế-xã hội. Năm 2012, thủy điện đã đóng góp cho hệ thống điện hơn 48% công suất phát điện và gần 44% điện lượng. Thủy điện còn tham gia chống lũ, chống hạn, cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất; đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, thủy điện còn góp phần tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp ở nhiều địa phương, tạo việc làm và điều kiện thuận lợi để phát triển hạ tầng khu vực có dự án. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, quá trình lập và thực hiện quy hoạch thủy điện đã nảy sinh một số hạn chế, bất cập. Để thực hiện việc rà soát quy hoạch tổng thể về thủy điện theo Nghị quyết số 40/2012/QH13 của Quốc hội, Chính phủ đã tích cực chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương có liên quan tổ chức rà soát quy hoạch tổng thể về thủy điện trên phạm vi cả nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng các báo cáo về kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng những dự án thủy điện và vận hành khai thác những công trình thủy điện của Chính phủ được xây dựng công phu, nội dung khá đồ sộ, có nhiều phụ lục số liệu kèm theo. Tuy nhiên, việc phát triển thủy điện là vấn đề đang được xã hội hết sức quan tâm, do đó các báo cáo cần được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hơn, bảo đảm yêu cầu đầy đủ, toàn diện, thống nhất; phân tích, đánh giá sâu sắc, sát thực tế hơn; phân định trách nhiệm các chủ thể; đưa ra phương hướng, nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới.
Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận về kết quả rà soát quy hoạch thủy điện; công tác quản lý chất lượng, an toàn công trình thủy điện; quản lý, vận hành các hồ chứa; bảo vệ môi trường đối với dự án, công trình thủy điện; công tác trồng rừng thay thế cũng như các công tác khác liên quan đến việc phát triển thủy điện.
Về công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư của các dự án, công trình thủy điện, nhiều đại biểu phản ánh, báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá thực sự đầy đủ, toàn diện đối với vấn đề này. Các đại biểu cho rằng, trong tái định cư, việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng còn chậm so với yêu cầu và chưa phù hợp với phong tục, tập quán người dân địa phương, gây khó khăn trong việc ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.
Trong một số dự án thủy điện, đất sản xuất tại khu vực tái định cư chưa bảo đảm chất lượng, thiếu nước, ảnh hưởng xấu đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Đối với việc trồng rừng thay thế và thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng, các đại biểu cho rằng, nhiều địa phương không có quỹ đất quy hoạch hoặc đất không phù hợp để trồng rừng thay thế. Đại biểu đề nghị cần làm rõ diện tích rừng trồng thay thế vì theo tính toán ban đầu dựa trên định mức sử dụng đất rừng và công suất của các dự án thủy điện, thì diện tích rừng đã được trồng thay thế thấp hơn khá nhiều so với các số liệu nêu trong báo cáo. Bên cạnh đó, cần bổ sung trong báo cáo về thực trạng chất lượng rừng trồng thay thế hiện nay.
Các đại biểu cũng đề nghị, báo cáo của Chính phủ cần nêu rõ thêm các sự cố đã xảy ra trong tổng số nhà máy thủy điện đang vận hành, kết luận nguyên nhân là do quy hoạch, thiết kế hay không nghiêm túc trong quá trình vận hành, mức độ gây thiệt hại... Tại một số dự án, công trình thủy điện, chất lượng khâu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát có nhiều hạn chế, gây không ít hệ lụy tiêu cực.
Trong khi đó, trách nhiệm, xử lý sai phạm của chủ đầu tư, các chủ thể khác có liên quan khi công trình có chất lượng kém hoặc để xảy ra sự cố chưa được quy định cụ thể; cũng cần đánh giá rõ tác động của các dự án thủy điện đối với môi trường cũng như cuộc sống của người dân vùng dự án...
Theo chương trình, chiều nay, phiên họp toàn thể lần thứ 7 Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội sẽ thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH 11 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án Đường Hồ Chí Minh.