Cơ cấu lại nền kinh tế với 3 trọng tâm là tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng là giải pháp quan trọng được nêu trong Kết luận Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành TW Đảng khóa XI với mục tiêu nhằm nâng cao nội lực, sức cạnh tranh, hướng tới sự phát triển bền vững nền kinh tế đất nước. Là tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, lại được giao trọng trách “đi trước một bước”, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nỗ lực tham gia và tiến hành tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ.
Dấu ấn ngành điện
Hiện nay, EVN được tổ chức theo ngành dọc xuyên suốt các khâu Phát điện -Truyền tải điện - Phân phối điện. Tập đoàn gồm có Công ty mẹ (cơ quan công ty mẹ, 14 đơn vị hạch toán phụ thuộc và 04 cơ sở đào tạo) và 26 đơn vị thành viên, trong đó có 09 doanh nghiệp do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ (gồm Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, 3 Tổng Công ty phát điện và 5 Tổng Công ty Điện lực); 05 doanh nghiệp do EVN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; 12 doanh nghiệp EVN nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.
Hầu hết các dự án phát triển lưới điện của EVN đều cán đích đúng hẹn.
Là tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, vì vậy Tập đoàn Điện lực Việt Nam luôn ý thức rõ sứ mệnh, trách nhiệm lớn lao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, nhằm ổn định và phát triển nền kinh tế quốc dân, đặc biệt trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Đây thực sự là một thách thức lớn nhưng cũng lại một lần nữa khẳng định sứ mệnh “điện đi trước một bước” của ngành điện để tạo nền tảng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát của Đảng, Chính phủ đề ra.
Tập đoàn ý thức rất rõ quá trình tái cấu trúc nền kinh tế sẽ dẫn đến những chuyển dịch, thay đổi trong cơ cấu các ngành kinh tế quốc dân, trong quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội tại các vùng kinh tế trọng điểm, các tỉnh và thành phố. Ý thức rõ những khó khăn, thách thức trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong những năm gần đây, Tập đoàn luôn bám sát tình hình chuyển dịch của nền kinh tế nói chung, của từng ngành và từng địa phương. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, EVN cũng đã có những điều chỉnh cho phù hợp với những thay đổi của nền kinh tế nhằm thực hiện tốt vai trò chính đảm bảo cung cấp đầy đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong các năm tới.
Thực tế những năm gần đây cho thấy, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư phát triển của hầu hết các ngành, lĩnh vực đều khó khăn, EVN vẫn hoàn thành tốt các kế hoạch đầu tư, phát triển nguồn điện, qua đó khẳng định vai trò nòng cốt đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Cụ thể: Trong 5 năm 2006-2010, EVN đã hoàn thành đầu tư toàn bộ lưới truyền tải, lưới phân phối điện và 61 % tổng công suất các nguồn điện được đưa vào vận hành trong giai đoạn 2006-2010 trên toàn quốc; Tổng vốn đã đầu tư cho các dự án điện trong 5 năm 2006-2010 là 204.520 tỉ đồng (bằng khoảng 6,7% tổng đầu tư cả nước). Giá trị thực hiện vốn đầu tư tăng bình quân hàng năm là 19,3%/năm.
Bước sang giai đoạn 2011-2020, EVN tiếp tục khẳng định vai trò chính trong thực hiện đầu tư, phát triển nguồn và lưới điện theo Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 với nhiệm vụ đầu tư các dự án nhà máy điện với tổng công suất 9800 MW, chiếm 58 % tổng công suất các nguồn điện mới trong giai đoạn này. Ngoài ra, EVN cũng được Chính phủ giao xây dựng toàn bộ hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối, lưới điện liên kết với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia và các nước trong khu vực để mua bán và trao đổi điện năng.
Riêng trong giai đoạn 2011-2015, khối lượng đầu tư cơ sở hạ tầng điện lực mà Chính phủ giao cho Tập đoàn đảm nhận trong giai đoạn 2011-2015 yêu cầu lượng vốn đầu tư lên tới 501.470 tỉ đồng, gấp 2,45 lần so với tổng đầu tư của EVN giai đoạn 2006-2010.
Trong lộ trình xây dựng thị trường điện cạnh tranh, EVN tiếp tục nắm giữ vai trò nòng cốt trong quá trình hình thành phát triển thị trường điện cạnh tranh, đa dạng hoá phương thức đầu tư và kinh doanh điện. Đây chính là một định hướng lớn của Đảng, Chính phủ nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, hoàn thiện có chế quản lý và phân phối điện, đảm bảo công bằng lợi ích, tạo động lực thu hút, thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng điện lực để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Kết luận Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI số 10-KL/TW ngày 18/10/2011 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước 5 năm 2011-2015 đã chỉ rõ: “Bảo đảm an ninh năng lượng trên cơ sở đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực phát triển nguồn cung theo đúng sơ đồ tổng thể quy hoạch phát triển hệ thống điện lực Việt Nam… đến năm 2020; đồng thời, kiểm soát có hiệu quả các nhu cầu sử dụng năng lượng, tăng cường các biện pháp tiết kiệm điện gắn với lộ trình chuyển sang áp dụng giá thị trường đối với điện, than và xăng dầu”.
Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành TW Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 cũng xác định và nhấn mạnh cơ sở hạ tầng điện lực là một trong 4 lĩnh vực trọng tâm.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo trên, Tập đoàn xác định: Quá trình hình thành phát triển thị trường điện cạnh tranh cũng là quá trình tái cơ cấu ngành điện lực và tái cơ cấu EVN. Trong quá trình này, EVN sẽ vẫn giữ vai trò chính trong các chủ thể tham gia thực hiện lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện tại Việt Nam; chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở hạ tầng phục vụ thị trường điện (Hệ thống quản lý điều hành thị trường điện, hệ thống công nghệ thông tin liên kết, kết nối các nhà máy điện, xây dựng các Trung tâm điều hành); đào tạo nguồn nhân lực và bộ máy vận hành thị trường điện. Xây dựng bộ máy quản lý, năng lực tài chính, năng lực giao dịch thương mại của các Tổng công ty phát điện.
Ngoài ra, Tập đoàn còn có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật về hoạt động Điện lực; xây dựng các quy định, quy trình vận hành và điều tiết thị trường để phát triển thị trường phát điện cạnh tranh và chuẩn bị các điều kiện thành lập thị trường bán buôn và bán lẻ điện năng theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt.
Đặc biệt, trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, EVN chính là lực lượng vật chất quan trọng để nhà nước thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, cung cấp dịch vụ công ích cho xã hội, củng cố an ninh quốc phòng. Ví như trong các năm 2011-2012, trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước khó khăn, để ổn định kinh tế và kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã cân nhắc, hạn chế điều chỉnh tăng giá theo cơ chế thị trường đối với các sản phẩm quan trọng như điện, than, xăng dầu. Chính phủ đã giao các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh điện cho EVN phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, Chính phủ ban hành biểu giá điện hàng năm trong đó điều chỉnh hợp lý giá bán điện cho các thành phần, đối tượng sử dụng điện để hạn chế tác động tới chi phí và giá thành sản phẩm của các ngành sản xuất cũng như tới đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Tính trong 3 năm 2010-2012, Chính phủ đã điều tiết giá bán lẻ điện năng ở mức độ để lợi nhuận hàng năm của EVN bằng 0%. Đây có thể xem là một sự hy sinh lớn của ngành điện nói chung và EVN nói riêng, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình tài chính, vốn đầu tư của Tập đoàn còn rất khó khăn.
Đáng chú ý, thực hiện Chiến lược xóa đói giảm nghèo và Chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn của Đảng, Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được Chính phủ giao nhiệm vụ giữ vai trò chủ chốt thực hiện chương trình đưa điện về nông thôn. Điều này đã khẳng định vai trò của EVN vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, đặc biệt là trong vấn đề đầu tư và cung ứng điện cho nông thôn - hoạt động đầu tư được Nhà nước xác định là dịch vụ công ích, chi phí đầu tư xây dựng rất lớn, có hiệu quả ý nghĩa lớn về chính trị - xã hội nhưng không có khả năng hoàn vốn.
Phát triển hệ thống lưới điện, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, Tập đoàn cũng góp phần cùng Trung ương và Chính quyền địa phương giải quyết kịp thời các vấn đề kinh tế-xã hội, giữ gìn ổn định chính trị, quốc phòng-an ninh tại các địa bàn trọng điểm, đặc biệt là khu vực biên giới, hải đảo. Trên tuyến biên giới quốc gia, đến nay hầu hết các xã biên giới trong cả nước tiếp giáp với 3 nước láng giềng đã được cấp điện. Cùng với các công trình do các ngành khác đầu tư (như: trường học, trạm y tế, phát thanh truyền hình, đường giao thông nông thôn...), điện năng thực sự đã phát huy hiệu quả quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu định canh định cư, xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, giữ vững quốc phòng - an ninh biên giới Tổ quốc. Còn trên tuyến biển đảo, Tập đoàn đang đảm nhận cung cấp điện trên các huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi); Phú Quốc (Kiên Giang)...
Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng đã tích cực tham gia Chương trình 30a theo sự phân công của Chính phủ và theo nội dung ký kết với UBND tỉnh Lai Châu, trong giai đoạn 2009-2015, Tập đoàn sẽ hỗ trợ 3 huyện nghèo Phong Thổ, Tân Uyên và Than Uyên khoảng 482 tỉ đồng để thực hiện các dự án cấp điện, xây dựng nhà bán trú tại các trường học, xóa nhà tạm, cấp học bổng đào tạo nghề cho con em dân tộc, hỗ trợ khuyến nông, khuyến lâm, mua bảo hiểm y tế cho các cháu học sinh...
Theo tính toán của EVN, tới năm 2015, năng lực sản xuất điện của EVN sẽ đạt 23.000 MW, chiếm 56% tổng công suất hệ thống điện quốc gia, chủ động sản xuất được khoảng 40% nhu cầu điện cả nước; còn tới năm 2020 năng lực sản xuất điện của EVN đạt gần 32.300MW, chiếm khoảng 43% tổng công suất hệ thống, chủ động sản xuất được 38 - 40% nhu cầu điện cả nước.