Vừa qua, Sở Khoa học công nghệ tỉnh Quảng Nam đã chủ trì, phối hợp Viện Khoa học năng lượng (Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam) thực hiện công trình “Điều tra, thu thập số liệu gió và đánh giá tiềm năng năng lượng gió khu vực Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam”.
Ông Nguyễn Bình Khánh - Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển năng lượng - Viện Khoa học năng lượng, chủ nhiệm đề tài cho biết, qua khảo sát, nhu cầu tiêu thụ điện năng tại Cù Lao Chàm năm 2015 là 957.178kWh và công suất tiêu thụ bình quân đầu người là 319kWh; đến năm 2020, nhu cầu điện năng sẽ tăng lên 1.764.104kWh. Với nhu cầu trên, yêu cầu về công suất nguồn của các cụm đến năm 2015 là 500kWh và đến năm 2020 là 1.000kWh. “Chúng tôi đã đo gió, đo bức xạ mặt trời, đánh giá tiềm năng nguồn năng lượng gió, đề xuất lắp đặt hệ thống turbin khai thác sức gió hợp lý. Bước tiếp theo là chọn địa điểm, vị trí có thể lập quy hoạch dự án điện gió tại Cù Lao Chàm và xây dựng mô hình cấp điện sử dụng năng lượng gió nhằm tiến tới cung cấp điện bền vững cho khu vực” - ông Nguyễn Bình Khánh cho biết.
Hệ thống pin năng lượng mặt trời tại Cù Lao Chàm. Ảnh: H.LIÊN
Tại hội thảo về phương án khai thác nguồn năng lượng tái tạo phục vụ cấp điện bền vững tại Cù Lao Chàm (Sở KH-CN tổ chức) mới đây, nhiều nhà chuyên môn, đại diện chính quyền TP.Hội An và xã đảo Tân Hiệp đánh giá cao ý tưởng và những khảo sát thực tế từ đề tài. Theo ông Lê Văn Huệ - Phó phòng Quản lý điện năng, Sở Công Thương, xã đảo chỉ mới triển khai phương án cấp điện tại chỗ chứ chưa có điện lưới nên việc cấp điện bằng năng lượng gió hết sức phù hợp với điều kiện hiện nay, bên cạnh hệ thống diesel và pin mặt trời. Những thông tin, cơ sở thiết thực từ đề tài sẽ được Sở Công thương bổ sung vào “Quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo tỉnh Quảng Nam”, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Qua khảo sát tại Cù Lao Chàm, những vùng có độ cao từ 100m trở lên so với mặt nước biển được dự báo có tiềm năng về nguồn năng lượng gió rất lớn và vùng có độ cao càng lớn thì tiềm năng gió càng lớn. Qua đó, đề tài chọn điểm khai thác gió ở sườn giữa núi tại khu dự trữ sinh quyển theo hướng tây bắc - đông nam, dự kiến vùng quy hoạch có thể lên tới 40ha. Về phương án nguồn đến năm 2015, đề tài kiến nghị lắp đặt 3 turbin gió 250kW với điện năng trung bình tạo ra 2.453.138kWh/năm, tổng chi phí đầu tư hơn 97 tỷ đồng. Năm 2020, phương án nguồn là 4 turbin 250kW gió kết hợp 50kW pin mặt trời và 100kW diesel. Phương án này có tổng chi phí đầu tư 152,5 tỷ đồng, với điện năng trung bình tạo ra đạt 3.245.855kWh/năm.
Ông Đỗ Đình Phô - Phó phòng Kinh tế TP.Hội An góp ý: “Tân Hiệp là xã đảo được định hướng phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc cung cấp điện hiện nay không đáp ứng được mục tiêu trên nên chúng tôi đánh giá cao đề tài này”. Tuy nhiên, theo ông Phô, sức gió quyết định rất lớn đến toàn bộ hoạt động của hệ thống cung cấp điện năng, vì vậy, nhóm nghiên cứu cần tính toán liệu sự thay đổi sức gió có ảnh hưởng tới khả năng phát điện của thiết bị hay không. Việc xen kẽ các thiết bị hay lựa chọn mô hình lắp đặt tập trung hay phân tán cũng cần bàn. “Cần có sự nghiên cứu, khảo sát, quy hoạch cụ thể hơn bởi đó là cơ sở để TP.Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung quyết định có triển khai lắp đặt hệ thống này không?” - ông Phô nói.
Đề cập khâu quy hoạch, ông Nguyễn Văn An - Chủ tịch UBND xã đảo Tân Hiệp cho rằng, vị trí lắp đặt hệ thống turbin gió sẽ gặp khó khăn bởi ở độ cao 80m trở lên so với mực nước biển thuộc vùng quản lý của ngành quốc phòng. hơn nữa, 40ha nằm trong vùng quy hoạch của dự án điện năng lại thuộc diện tích rừng của khu dự trữ sinh quyển, cần tính toán, lựa chọn địa điểm hợp lý hơn.