Thứ hai, 09/01/2017 | 13:00

Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng xử lý môi trường nghiêm ngặt

Xử lý môi trường ở các nhà máy nhiệt điện luôn là vấn đề nóng, đặc biệt trong thời gian gần đây được dư luận quan tâm. Nhận thức được vấn đề phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh)

Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng xử lý môi trường nghiêm ngặt

Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng xử lý môi trường nghiêm ngặt

 

Trước hết, các nguồn nước thải của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng gồm nước thải thường xuyên, nước thải không thường xuyên được thu gom, xử lý cục bộ tuỳ theo chất lượng từng loại nước thải sau đó được đưa về hệ thống xử lý nước thải của nhà máy. Tại đây, nước thải được xử lý bằng phương pháp hóa lý đạt theo Quy chuẩn QCVN 40: 2011/BTNMT được tuần hoàn lại bể chứa nước trung gian cho hệ thống vận chuyển tro xỉ, dung tích bể chứa là 350m3. Tại bãi chứa xỉ, nước sau khi đã lắng trong sẽ được bơm quay về nhà máy để tái sử dụng mà không thải ra môi trường. Bùn sau hệ thống xử lý nước thải được bơm về hồ chứa xỉ và đưa ra bãi chứa xỉ bằng thủy lực. Công suất hệ thống xử lý nước thải là 3.600 m3/ngày đêm.

 

Đối với các nguồn nước thải nhiễm dầu từ khu vực máy biến thế, khu dầu bôi trơn tuabin, khu bể dầu HFO… được thu gom về hệ thống xử lý nước thải nhiễm dầu, về hố thu nước thải lẫn dầu, từ đó bơm về các bể tách dầu. Dầu tách ra được tái sử dụng, nước trong được bơm về bể lưu chứa của hệ thống xử lý nước thải sản xuất để tiếp tục xử lý.

 

Hệ thống kênh xả nước làm mát: Nước làm mát từ bình ngưng của mỗi tổ máy được được dẫn vào Seal pit, sau đó được dẫn qua tuyến kênh xả A/B/C dài khoảng 820m trước khi xả ra biển thông qua cửa xả (kích thước 35,7x57x7,4m) nhằm giảm vận tốc và nhiệt độ nước làm mát. Một phần nước làm mát sau bình ngưng được bơm qua hệ thống FGD. Nước thải sau hệ thống FGD được sục khí O2 liên tục để chuyển hóa SO32- thành SO42-, giám sát online các thông số pH, DO, nhiệt độ trước khi hòa trở lại vào dòng nước làm mát và thải ra biển. Độ tăng nhiệt độ nước làm mát được thiết kế dưới 8oC…

 

Trong quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý nước thải, Nhà máy đã thuê các đơn vị độc lập, đủ chức năng cụ thể: Công ty Công nghệ thân thiện Môi trường Bách Khoa thuộc trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (có hợp đồng liên kết toàn diện với Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường – Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội), Viện Khoa học Công nghệ Môi trường và Trung tâm Môi trường và Khoáng sản thực hiện phân tích mẫu nước thải sau các hệ thống xử lý nước thải. Các kết quả phân tích cho thấy: Nước thải sau các hệ thống xử lý đảm bảo theo các Quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.

 

Về mặt bụi và khí thải, nhà máy trang bị đầy đủ các hệ thống xử lý gồm hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống lọc bụi túi, hệ thống khử lưu huỳnh, hệ thống khử NOx. Cụ thể: Việc xử lý khí thải được Nhà máy, sử dụng công nghệ SCR DeNOx: Khử NOx bằng xúc tác có chọn lọc (Selective Catalytic Reduction): loại bỏ các oxit nitơ (NOx) từ khí thải bằng phản ứng với hơi amoniac trong điều kiện có chất xúc tác. Phản ứng giữa NOx và NH3 tạo ra N2 và H2O là thành phần tự nhiên trong không khí. Cùng với việc xử lí khí thải thì Nhà máy sử dụng công nghệ lọc bụi tĩnh điện (ESP) dựa trên nguyên lý ion hóa các điện cực để xử lý bụi thải.

 

Xử lý SOx, Nhà máy sử dụng nước biển để hấp thụ SOx (SWFGD) theo nguyên lý: Khí thải sau khi đi qua hệ thống khử bụi bằng ESP được dẫn vào các tháp hấp thụ FGD. Trong tháp hấp thụ khói thải đi từ dưới lên tiếp xúc ngược chiều với các tia nước biển được phun từ trên xuống. Nước biển trong hệ thống này được lấy một phần từ nước làm mát sau khi đi qua bình ngưng. Nước ra khỏi tháp hấp thụ sẽ được trộn với nước sạch trong bể sục khí, tại đây tính axit của nước thải sau khi hấp thụ SOx trung hòa với tính kiềm nhẹ của nước biển sạch và quá trình oxy hóa được thực hiện bằng cách sục không khí vào nước biển bằng hệ thống quạt.

 

Với hệ thống khử lưu huỳnh khói lò (FGD) tại NMNĐ Vũng Áng 1 xử lý bằng nước biển. Được biết, trước khi hoàn thành và nghiệm thu công trình (Tổng thầu Lilama) đã thuê đơn vị tư vấn thực hiện chạy thử và đánh giá hệ thống khử lưu huỳnh bằng nước biển thông qua việc đo nồng độ SO2 tại 2 vị trí đầu ra của ống khói. Các giá trị kết quả thông số SO2 đầu ra ống khói có giá trị trung bình 58.33 mg/Nm3 (6% O2, 25oC), nhỏ hơn nhiều so với giá trị quy định trong báo cáo ĐTM đã được phê duyệt (theo QCVN 22:2009/BTNTM, hàm lượng SO2 là 425 mg/Nm3). Đồng thời chứng minh nhiệt độ và các thông số nước biển không hề thay đổi. Trên cơ sở đó, Ban QLDA đã tính toán được hiệu suất của hệ thống khử lưu huỳnh NMNĐ Vũng Áng 1 tại thời điểm khảo sát là 95,14%.

 

Đối với toàn bộ hệ thống xử lý khói thải, Ban QLDA đã thuê đơn vị độc lập đủ chức năng thực hiện việc đo đạc, lấy mẫu và phân tích về môi trường. Kết quả cho thấy: Chất lượng khí thải sau xử lý đảm bảo theo Quy chuẩn quy định QCVN 22:2009/BTNMT (cột B, Kp=0,85 và Kv=1)

 

Ngoài ra, các kết quả đo mẫu khí thải tại ống khói ngày 22/6/2015 và ngày 06/5/2016, do Bộ TNMT yêu cầu Viện Công nghệ môi trường – Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện hoàn toàn tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật về khí thải các NMNĐ QCVN 22:2009/BTNMT (cột B, Kp=0,85 và Kv=1). Như vậy, trong quá trình vận hành bình thường, các hệ thống xử lý khói thải vận hành hiệu quả, chất lượng khí thải sau xử lý hoàn toàn tuân thủ các quy chuẩn quy định.

 

Xử lý chất thải rắn công nghiệp phát sinh từ các hoạt động của Nhà máy bao gồm: Tro, xỉ với khối lượng khoảng 1,01 triệu tấn/năm được vận chuyển đến bãi chứa xỉ cạnh nhà máy bằng hệ thống vận chuyển tro xỉ bằng thủy lực. Tro bay được chuyển đến silô tro bay bằng khí nén và được vận chuyển thông qua các đường xả khô/ướt/ẩm tùy theo nhu cầu người sử dụng. Bùn thải từ hệ thống xử lý nước với khối lượng phát sinh khoảng 10 tấn/năm: được vận chuyển về bãi chứa xỉ sử dụng bơm chuyển bùn. Công ty đã ban hành phương án thu gom, vận chuyển tro xỉ trong trường hợp xảy ra sự cố (băng tải gầu, máy nghiền thô, silo tro bay…)

 

Đối với chất thải nguy hại (CTNH), NMNĐ Vũng Áng 1 được Sở TNMT Hà Tĩnh cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại lần đầu ngày 11/02/2015 mã số: 42.000201.T; cấp lại Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại lần thứ hai vào ngày 25/6/2015 mã số: 42.000208.T. Lượng CTNH dự kiến 106 tấn/năm được phân loại, thu gom tại nguồn phát sinh. Nhà máy thực hiện bố trí các thùng nhựa màu vàng/da cam, dung tích 240L, có nắp đậy kín (phía ngoài có ghi rõ danh mục các chất thải nguy hại) tại các vị trí phát sinh trong toàn bộ các khu vực nhà máy, văn phòng. Nhà máy cũng ký hợp đồng với đơn vị đủ chức năng (Công ty CP công nghiệp và rác thải An Dương và Công ty URENCO 10, Công ty TNHH Môi trường Phú Hà) thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý CTNH tổng cộng 17 đợt . Bên cạnh đó, Nhà máy thực hiện nghiệm thu hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình nhà chứa chất thải nguy hại và kho chứa hóa chất vào tháng 4/2016, đảm bảo tuân thủ các quy định của nhà nước về khu vực lưu giữ tạm thời CTNH và kho chứa hóa chất .Thực hiện công tác quản lý chứng từ CTNH và các báo cáo CTNH đúng quy định. Theo đó, ngày 6-5, đoàn liên ngành do Bộ TN&MT chủ trì đã kiểm tra hệ thống xử lý môi trường của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1. Sau quá trình kiểm tra, đoàn liên ngành đã kết luận nhà máy hoàn thành đánh giá tác động môi trường (ĐTM) toàn bộ dự án, bãi thải xỉ được Bộ TN&MT phê duyệt, được Sở TN&MT Hà Tĩnh cấp chủ nguồn thải chất thải nguy hại, được Bộ TN&MT cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép khai thác, sử dụng nước biển…

 

Công nghệ hiện đại của các nhà máy nhiệt điện chính là “chìa khóa” mở ra cánh cửa vừa đảm bảo an ninh năng lượng vừa hạn chế tới mức thấp nhất ảnh hưởng tới môi trường. Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 là một minh chứng cho công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường.

;

Bài liên quan