Thứ hai, 16/12/2013 | 14:26

Nhu cầu điện tăng chậm nhưng điện miền Nam không có dự trữ

Tính toán công suất toàn hệ thống điện giai đoạn 2013-2020 cho thấy dự phòng khá lớn nhưng lại có sự mất cân bằng giữa các miền.

Nhu cầu điện tăng chậm nhưng điện miền Nam không có dự trữ

Nhu cầu điện tăng chậm nhưng điện miền Nam không có dự trữ

Tính toán công suất toàn hệ thống điện giai đoạn 2013-2020 cho thấy dự phòng khá lớn nhưng lại có sự mất cân bằng giữa các miền.


Hệ thống điện miền Bắc và hệ thống điện miền Trung có dự trữ công suất từ 50% đến 80% trong khi hệ thống điện miền Nam không có dự trữ công suất trong giai đoạn 2013-2016.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện năng lượng (Bộ Công Thương), tăng trưởng phụ tải trong năm 2011 và 2012 giảm khá nhiều so với dự báo của phương án cơ sở trong quy hoạch điện VII (khoảng 11,5% so với 14% trong quy hoạch điện VII). Phương án dự báo phụ tải mới có tốc độ tăng điện thương phẩm là 11,5%, 12,8%, 8,3% và 7,3% tương đương với các giai đoạn 2011-2015, 2016-2020, 2021-2025 và 2026-2030.

Theo đó, điện thương phẩm năm 2020 và 2030 giảm tương ứng là 14 tỉ và 30 tỉ kWh, kéo theo công suất nguồn giảm 2300 MW và 4900 MW.

Với tình hình kinh tế không tăng trưởng nóng như những năm trước, nhu cầu tiêu thụ điện năng tăng chậm đi đáng kể, việc chậm tiến độ nguồn nhiều dự án sẽ bớt nặng nề hơn trước.

Ông Tuấn phân tích tại hội thảo “Vốn cho dự án điện” do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức hôm 13-12 tại Hà Nội rằng, cân bằng công suất toàn hệ thống điện giai đoạn 2013-2020 cho thấy dự phòng lớn, chỉ trừ công suất dự trữ ở hệ thống điện miền Nam 2013-2016 là không có và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Lưới điện 500kV đang được xây dựng và nâng cấp cơ bản sẽ đáp ứng các nhu cầu truyền tải điện. Tuy nhiên, lưới điện từng khu vực đang còn nhiều vấn đề, chẳng hạn như Tây Bắc Bộ bị phân mảnh thành năm hệ thống con và việc đấu nối rất nhiều thủy điện nhỏ, Hà Nội bị quá tải lưới 110kV và 220kV, Bắc Trung Bộ bị giải tỏa công suất các nhà máy điện than, còn TPHCM bị quá tải các đường dây 220 kV.

Để giải quyết được vấn đề này, cần điều chỉnh tiến độ các dự án nguồn điện cho phù hợp với tình hình phát triển phụ tải mới. Giai đoạn từ nay đến 2018 cần đẩy nhanh tiến độ các nguồn miền Nam, giãn tiến độ các nguồn miền Bắc và miền Trung.

Mặt khác khả năng truyền tải trên hệ thống điện 500kV, 220 kV cũng cần phải được tăng cường nhằm đảm bảo truyền tải đủ điện cho miền Nam trong giai đoạn 2013-2019, giải quyết các tồn tại trong lưới điện nội vùng các khu vực Hà Nội, Tây Bắc và TPHCM.

Theo ông Tuấn, suất đầu tư 1km mạch kép truyền tải điện hiện đã tăng từ 700.000 đô la Mỹ lên 1 triệu đô la Mỹ do chi phí giải phóng mặt bằng nay đã tăng quá cao.

 

;
Từ khóa: Tin tức khác

Bài liên quan