Thứ tư, 09/10/2013 | 14:06

Phải có cơ chế chia sẻ lợi ích của thủy điện cho người dân

Khi thực hiện các dự án thủy điện, người dân trong khu vực dự án và khu vực bị ảnh hưởng bởi dự án đã phải hy sinh nhiều khi thay đổi cuộc sống vì các công trình. Thế nhưng, công sức của họ dường như không được nhìn nhận đúng mức khi thiệt thòi thì kéo

Phải có cơ chế chia sẻ lợi ích của thủy điện cho người dân

Phải có cơ chế chia sẻ lợi ích của thủy điện cho người dân

Khi thực hiện các dự án thủy điện, người dân trong khu vực dự án và khu vực bị ảnh hưởng bởi dự án đã phải hy sinh nhiều khi thay đổi cuộc sống vì các công trình. Thế nhưng, công sức của họ dường như không được nhìn nhận đúng mức khi thiệt thòi thì kéo dài nhiều năm mà quyền lợi chẳng thấy đâu. Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải nhìn nhận đúng đắn vai trò của người dân trong việc thực hiện các dự án thủy điện.

 

Khu tái định cư Thủy điện Sông Tranh 2 bỏ hoang vì không hợp với cuộc sống của người dân bản địa.

Ám ảnh thủy điện

Gia đình bà Phan Thị Qua ở thôn tái định cư xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế là người dân bị ảnh hưởng của lòng hồ thủy điện - thủy lợi Tả Trạch. Bà kể, trước đây nhà bà có đất trồng hoa màu, lúa và rừng. Từ khi dự án thủy điện Tả Trạch khởi động, gia đình bà Qua cũng như nhiều hộ dân khác đã phải dời nơi ở cũ đến nơi tái định cư.

Nhưng nơi ở mới, gia đình bà Qua chỉ được bố trí đất trồng cây lâm nghiệp, đường sá đi lại khó khăn, trong khi chi phí hỗ trợ phục hồi sinh kế là 3 năm thì bị cắt lại còn 2 năm. Giờ, tới khu tái định cư, đời sống người dân bị xáo trộn, văn hóa cộng đồng, lao động sản xuất, nghề nghiệp bị thay đổi…

Bức xúc không kém, bà Phạm Thị Kim Hoa trú ở Đại Lộc, Quảng Nam - nơi hứng chịu nhiều ảnh hưởng của các dự án thủy điện trên thượng nguồn của hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn kể: “Ngày xưa, dòng sông quê tôi rất rộng, thuyền ghe xuôi ngược, từ ngày có thủy điện ở vùng thượng lưu, dòng sông nơi tôi ở khô cạn vào mùa nắng và lũ dữ vào mùa mưa. Chưa hết, khi lũ rút đi, nhiều diện tích đất sản xuất của người dân bị cát bồi lấp khiến người dân không thể sản xuất được. Trái với trước đây khi chưa có thủy điện, lũ về chỉ mang phù sa đến cho ruộng đồng”.

Ngay tại hội thảo “Thủy điện miền Trung và sự tham gia của người dân” diễn ra tại TP.Hội An ngày 3/10, bà Hoa kể với những người có mặt câu chuyện thời sự nóng hổi ở địa phương bà ngay chiều hôm trước, khi ngày 2/10 có tin đồn vỡ đập thủy điện, hàng ngàn người dân trong xã và các xã lân cận hoảng loạn mua lương thực, thực phẩm rồi dắt trâu, bò, heo, gà cùng nhau… chạy lũ.

“Thực tế chỉ là việc Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ do mưa lớn ở thượng nguồn nhưng thông tin đến người dân thì lại là… vỡ đập, mới thấy ám ảnh của người dân hạ nguồn chúng tôi về thủy điện như thế nào” – bà nói.

Người dân ở đâu trong quan hệ lợi ích?

PGS.TS Lê Anh Tuấn - cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) đánh giá, thủy điện tạo ra nguồn điện để phát triển công nghiệp và dân dụng, kiểm soát lũ, tạo nguồn cung cấp nước và nuôi cá lòng hồ, có thể giảm phát thải chất thải gây ô nhiễm nếu phải dùng nhiệt điện… Tuy nhiên, thủy điện cũng tác động không nhỏ đến môi trường và hệ sinh thái, sinh kế và đời sống người dân nông thôn.

Bà Lê Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà, Thừa Thiên  Huế cho hay, Hương Trà nằm giữa sông Hương và sông Bồ với 2 nhà máy thủy điện Bình Điền và Hương Điều. Hai dự án này đã góp phần tăng nguồn thu ngân sách, thúc đẩy phát triển hạ tầng cho địa phương nhưng cũng mang đến nhiều khó khăn mới trên địa bàn.

“Vùng hạ du sông Hương, sông Bồ trước đây có khoảng 1.000ha cây bưởi Hương Trà, là đặc sản của Huế, song hiện nay chỉ còn 300ha, vì phù sa không về được, cây bưởi không còn tốt tươi, người dân đành chặt bỏ” - bà Hương  cho biết.

Ở một góc nhìn khác, ông Đặng Phong - nguyên Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), nơi có Thủy điện Sông Tranh 2 “nổi tiếng” vì liên quan đến động đất cho rằng, việc đền bù cho người dân trong vùng dự án là những tài sản hữu hình, nhưng tài sản vô hình là văn hóa, là phong tục tập quán của đồng bào dân tộc mất đi không bao giờ thấy được và lấy lại được. “Người dân đã hy sinh quá nhiều vì thủy điện nên đã đến lúc thủy điện phải chia sẻ lợi ích cho người dân nhưng không phải lấy từ thuế mà từ nguồn thu của thủy điện” - ông Phong đề nghị.

Tuy nhiên, nhìn nhận ở nhiều dự án thủy điện cho thấy, ngay cả việc đền bù hay tái định cư cho người dân cũng được thực hiện khá cứng nhắc, chưa nói tới việc thiếu trách nhiệm. Tại một số dự án thủy điện, việc xây dựng nhà tái định cư chất lượng không đảm bảo, không phù hợp với phong tục, tập quán của người dân địa phương nên người dân ít sử dụng nhà mà phải khai thác gỗ xây dựng lại nhà cửa mới để ở, gây lãng phí và mất rất nhiều rừng. Việc bố trí sản xuất cho người dân chưa hợp lý, phần lớn người bị thu hồi đất có trình độ học vấn thấp, hoặc đã lớn tuổi nên việc đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn…

 “Cần đặt lợi ích cộng đồng lên trên khi đưa ra quyết định phê duyệt dự án thủy điện và cũng cần có cơ chế chia sẻ lợi ích của thủy điện để đảm bảo sinh kế của người dân” – bà Lâm Thị Thu Sửu (Điều phối viên Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) đưa ra thông điệp.


;
Từ khóa: Tin tức khác

Bài liên quan