Việt Nam có thế mạnh về điện gió, tuy nhiên cho đến nay, cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển nguồn năng lượng gió vẫn còn nhiều hạn chế…
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng gió
Thiếu sức hút các nhà đầu tư
Theo bản đồ năng lượng gió của Ngân hàng Thế giới (WB), hơn 39% lãnh thổ của Việt Nam có vận tốc gió lớn hơn 6m/giây, tương đương với 513 GW, hơn 8% lãnh thổ có tiềm năng tốt, công suất đạt khoảng 112 GW. Với sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế từ các nước phát triển, Việt Nam đã lắp đặt thiết bị đo tốc độ gió cũng như lập bản đồ tốc độ gió trên cả nước. Kết quả cho thấy, Việt Nam có tiềm năng phát triển gió rất cao. Đây chính là cơ hội để Việt Nam có thể phát triển năng lượng gió thay thế các nguồn năng lượng khác hiện có.
Số liệu từ Trung tâm Năng lượng tái tạo và Cơ chế phát triển sạch (Viện Năng lượng Việt Nam) cho biết, mục tiêu phát triển năng lượng gió đã được Chính phủ đưa vào Quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, năng lượng gió tại Việt Nam sẽ chiếm 5,6% tổng lượng điện sản xuất trong nước, tương đương 1.000MW. Đến năm 2030, năng lượng gió chiếm khoảng 9,4% tương đương 6.200MW.
Tuy nhiên hiện tại, mức giá điện gió được mua theo Quyết định 37/2011 của Chính phủ là 7,8 cent/kWh, trong khi chi phí sản xuất khá cao, từ 5,9 - 11,3 cent/kWh. Bên cạnh đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đóng vai trò vừa là người mua duy nhất vừa là điều hành, điều này sẽ không khuyến khích được các nhà đầu tư.
Với quy mô khu vực và toàn cầu, các nền kinh tế APEC cần hợp tác chặt chẽ và cam kết mạnh mẽ hơn, nhằm phát triển năng lượng gió thành một trong những nguồn năng lượng tái tạo thay thế hiệu quả, bền vững và ổn định.
Bà Phạm Quỳnh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - bày tỏ: Để hiện thực hóa đưa năng lượng gió vào sản xuất và sử dụng phổ biến trên quy mô rộng, vẫn còn rất nhiều thách thức như: Chi phí đầu tư, duy trì, bảo dưỡng cao, công nghệ sản xuất phức tạp đòi hỏi đầu tư lớn…, trong khi chưa đảm bảo có thể cung cấp với số lượng lớn, điều kiện về vốn, hỗ trợ tài chính chưa thực sự khuyến khích nhà đầu tư.
Cần chính sách khuyến khích
Bà Phạm Quỳnh Mai cho rằng, việc đảm bảo nguồn cung năng lượng cho nền kinh tế vận hành trơn tru trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống ngày càng cạn kiệt… trở thành nhu cầu và điều kiện quan trọng để duy trì sự ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì thế, năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng gió, trở thành nguồn năng lượng thay thế tiềm năng, góp phần đảm bảo ổn định nguồn cung năng lượng, duy trì sự ổn định và phát triển bền vững cho nền kinh tế.
Theo các chuyên gia năng lượng, để giải quyết những thách thức hiện nay, các nền kinh tế APEC, trong đó có Việt Nam cần đóng vai trò chủ động nhằm đưa ra đường lối, chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo nói chung, năng lượng gió nói riêng, tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp có điều kiện đầu tư vào năng lượng gió.
Ông Eric Pyle - Giám đốc điều hành Hiệp hội Năng lượng gió New Zealand - chia sẻ: Các nước đang phát triển rất cần tạo ra các chính sách để không làm khập khiễng đầu vào, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển năng lượng gió thay thế năng lượng truyền thống, vừa bảo vệ môi trường, vừa tận dụng các nguồn năng lượng thiên nhiên sẵn có, đỡ chi phí nhập khẩu năng lượng cho quốc gia.