Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030 (QHĐ VII) đặt mục tiêu xây dựng số lượng lớn nhà máy nhiệt điện chạy than, khí, thủy điện tích năng, điện hạt nhân. Nhu cầu đầu tư cho cả giai đoạn này lên tới gần 124 tỷ USD - một con số “khổng lồ” và bất khả thi trong điều kiện tình hình tài chính cũng như nhu cầu phụ tải tăng trưởng thấp hơn dự báo.
Nhiều dự án của EVN đang theo sát tiến độ đề ra. Ảnh: Ngọc Thọ
Khó khăn lớn về thu xếp vốn
Thực tế, nggành điện là ngành kết cấu hạ tầng của toàn bộ nền kinh tế - xã hội, có công nghệ phức tạp, mang tính đặc thù rất cao, đặc biệt đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn. Do đó, việc thu xếp nguồn vốn đầu tư cho phát triển Điện lực được xem là nhiệm vụ trọng tâm và phải giải quyết trước tiên. Các dự án nguồn và lưới điện khi đã khẳng định được nguồn vốn sẽ là cơ sở để triển khai thành công các bước đầu tư.
Theo Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi, Quy hoạch điện VII (trong giai đoạn 2011-2020) thì chỉ riêng nhà máy nhiệt điện chạy than đã phải xây dựng 52 nhà máy, (cập nhật đến thời điểm này còn có thêm dự án nhà máy nhiệt điện là Vĩnh Tân IV (2x600MW) do EVN làm chủ đầu tư và dự án NMNĐ Dung Quất 2x600MW là dự án BOT Chính phủ đã giao cho Sembcorp của Singapore làm chủ đầu tư. Như vậy tổng số dự án NMNĐ than của QHĐVII là 54 dự án. Ngoài ra còn có các nhà máy nhiệt điện chạy khí, thủy điện, thủy điện tích năng và cả nhà máy điện hạt nhân; đồng bộ với hệ thống nguồn là hệ thống truyền tải và phân phối điện trên phạm vi cả nước.
Về tổng nhu cầu vốn đầu tư cho toàn ngành điện trong giai đoạn 2011-2030 ước tính khoảng 123,8 tỷ USD. Trong đó giai đoạn 2011-2020 là 48,8 tỷ USD và giai đoạn 2021-2030 là 75 tỷ USD.
Tuy nhiên, đến nay việc triển khai các dự án còn rất chậm. Có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó chủ yếu vẫn là tình trạng thiếu vốn trầm trọng trong từng dự án, một số dự án chưa rõ nguồn vốn.
Lãnh đạo EVN cho hay, do tổng nhu cầu đầu tư các công trình điện rất lớn, nên Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã gặp không ít khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng tài chính thời gian qua đã tác động trực tiếp đến tình hình tài chính của Việt Nam nói chung cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói riêng, các tổ chức tín dụng ngừng giải ngân làm cho các dự án thiếu vốn đầu tư nghiêm trọng.
Đối với nguồn vốn tự tích lũy, trong giai đoạn 2011-2020, nguồn vốn khấu hao cơ bản của Công ty mẹ (Tập đoàn và các Tổng công ty phát điện) chỉ đáp ứng nhu cầu trả nợ gốc và lãi vay các hợp đồng tín dụng, phần còn lại dùng để đầu tư các dự án điện rất thấp. Và lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh của Tập đoàn không đáng kể do các chi phí đầu vào tăng nhanh và do diễn biến thời tiết khó lường trước, phải phát các nguồn đắt tiền. Rồi nguồn thu từ cổ phần hoá không đạt được như kỳ vọng. Do đó trong các năm tới Tập đoàn cũng sẽ rất khó khăn trong việc huy động vốn tự tích luỹ để đáp ứng nhu cầu đầu tư của các dự án.
Cần điều chỉnh cho sát với thực tế
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong các giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được giao đầu tư và đưa vào vận hành 61 tổ máy thuộc 28 dự án nguồn điện với tổng công suất 19.164 MW. Tiến độ theo từng giai đoạn cụ thể: Giai đoạn 2011-2015: đưa vào vận hành 34 tổ máy thuộc 16 dự án nguồn điện, với tổng công suất 9.738 MW; Giai đoạn 2016-2020: đưa vào vận hành 27 tổ máy thuộc 13 dự án nguồn điện, với tổng công suất 9.426 MW.
Theo báo cáo của EVN, giai đoạn 2011-2015, tổng nhu cầu đầu tư trong giai đoạn 2011-2015 của toàn Tập đoàn là 501.470 tỷ đồng (bình quân trên 100.000 tỷ đồng/ năm). Bao gồm nhu cầu vốn đầu tư thuần là 378.800 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho các dự án nguồn điện 225.282 tỷ đồng, chiếm 59,6%; trả nợ gốc và lãi vay là 130.668 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư thực hiện trong 3 năm 2011-2013 đạt 240.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư vào nguồn điện ước khoảng 106.000 tỷ đồng.
Còn giai đoạn 2016-2020, theo như tính toán, tổng nhu cầu đầu tư của Tập đoàn giai đoạn 2016-2020 dự kiến khoảng 750.000 tỷ đồng (bình quân 150.000 tỷ đồng /năm). Bao gồm nhu cầu vốn đầu tư thuần là 552.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho các dự án nguồn điện là 318.600 tỷ đồng, chiếm 57,7%. Và trả nợ gốc và lãi vay khoảng: 198.000 tỷ đồng. Được biết, trong đó khoảng 500.000 tỷ đồng đang được Tập đoàn đàm phán thoả thuận với một số tổ chức tín dụng để vay vốn, còn lại khoảng 250.000 tỷ đồng hiện phải tiếp tục tìm kiếm đối tác.
Theo ông Cát Quang Dương - Đại diện Vụ Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, dự kiến đến năm 2020 nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện rất lớn khoảng 929.700 tỷ đồng, tương đương 48,8 tỷ USD, tính bình quân mỗi năm ngành điện cần khoảng 4,9 tỷ USD. Tuy nhiên, thời gian qua việc thu xếp cho các doanh nghiệp ngành điện tại các tổ chức tín dụng gặp một số khó khăn như vốn đầu tư cho các dự án điện rất lớn, thời gian thu hồi vốn dài nên tính hấp dẫn chưa cao; ngành điện chưa thu hút được nhiều vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiệm vụ đầu tư phát triển ngành điện vẫn phần lớn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên gánh vác. Trong khi đó vốn tự có của EVN và các đơn vị thành viên chỉ có thể thu xếp được khoảng từ 20% đến 30% tổng mức đầu tư cho các dự án điện; còn lại chủ yếu là vốn vay.
PGS, TS. Nguyễn Minh Duệ, Ủy viên thường trực Ban chấp hành Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng cho rằng phải sớm điều chỉnh QHĐ VII nhằm chính xác hóa nhu cầu đầu tư (Chính phủ cũng đã chỉ đạo).
Cụ thể, Bộ Công Thương cần rà soát, hiệu chỉnh QHĐ VII về dự báo phụ tải, các công trình nguồn, lưới điện; xác định nhu cầu vốn, cân đối tiến độ đầu tư các dự án điện trên toàn quốc phù hợp với năng lực tài chính và khả năng triển khai, tránh đầu tư dàn trải, dừng các dự án không hiệu quả trong thời gian quy họach, đặc biệt giai đoạn 2014 – 2020 .
Và để đảm bảo nguồn vốn vay, Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với thị trường vốn quốc tế, đặc biệt vốn ODA đa phương và song phương; các ngân hàng trong nước tiếp tục đồng hành thu xếp vốn cho các DA nguồn và lưới điện nhằm tạo điều kiện cho EVN và ngành điện thực hiện tốt nhiệm vụ cung ưng điện. Các doanh nghiệp vay vốn phải tôn trọng các quy định về các hợp đồng vay trả vốn và lãi đúng kỳ hạn, giữ uy tín là khách hàng vay vốn.
Theo EVN, trong 5 năm (2006-2010), Tập đoàn đã đầu tư và đưa vào vận hành 25 tổ máy thuộc 19 dự án nguồn điện mới với tổng công suất 6.177 MW (kể cả đầu tư để mua điện Trung Quốc tăng thêm 940MW), đạt 79,9% tổng công suất nguồn của EVN được giao trong Quy hoạch điện VI. EVN đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân,với tốc độ tăng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2006-2010 là 13,74%/năm (tăng gấp gần 2 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế 7%/năm).