Thứ tư, 27/11/2013 | 10:20

Quy hoạch thủy điện nhỏ: An toàn phải đặt lên hàng đầu

Gần đây, sự an toàn của các dự án TĐ nhỏ đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Vấn đề này cũng được đem ra mổ xẻ trên bàn nghị sự ở hầu hết các kỳ họp Quốc hội.

Quy hoạch thủy điện nhỏ: An toàn phải đặt lên hàng đầu

Quy hoạch thủy điện nhỏ: An toàn phải đặt lên hàng đầu

Gần đây, sự an toàn của các dự án TĐ nhỏ đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Vấn đề này cũng được đem ra mổ xẻ trên bàn nghị sự ở hầu hết các kỳ họp Quốc hội.


Thủy điện nhỏ chưa được quản lý, giám sát chặt chẽ

Tính riêng từ tháng 10/2010 đến tháng 9/2013, cả nước đã có 6 dự án TĐ bị sự cố, gây thiệt hại về người và tài sản, hầu hết là các dự án TĐ nhỏ. Điển hình là: TĐ Đăk Rông 3 (Quảng Trị) bị vỡ tường chắn bê tông; TĐ Đăm Bol - Đạ Tẻl (Lâm Đồng) vỡ đường ống áp lực gây chết người; TĐ Đăk Mêk 3 (Kon Tum) đổ tường phía thượng lưu đập khi đang thi công gây chết người; TĐ Ia Krêl 2 (Gia Lai) vỡ đập khi bắt đầu tích nước…

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện nay, các hồ chứa TĐ lớn đều thực hiện đúng quy trình vận hành, góp phần quan trọng trong việc chống hạn và cắt giảm lũ cho hạ du. Tuy nhiên, vẫn còn không ít công trình TĐ nhỏ không thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ chứa nên đã ảnh hưởng đến nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt, ảnh hưởng xấu đến môi trường hạ du. Đây đều là những hồ được phân cấp về các địa phương phê duyệt quy hoạch và quản lý. Kết quả kiểm tra các công trình TĐ nhỏ cho thấy, gần 30% số đập chưa được kiểm định; chỉ khoảng 6% số chủ đầu tư hoàn thành cắm mốc chỉ giới; 66% đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt; gần 55% số chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão (PCLB).

Đâu là nguyên nhân

Phân tích của UB Khoa học, công nghệ và môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội cho thấy, nguyên nhân đều do sự buông lỏng quản lý chất lượng công trình hầu như  giao hoàn toàn cho chủ đầu tư thực hiện và tự chịu trách nhiệm, thiếu sự kiểm soát của cơ quan nhà nước. Chất lượng khâu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát có nhiều hạn chế, công tác quản lý an toàn chưa thực sự tuân thủ nghiêm ngặt quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Hiệu quả làm việc của hệ thống quan trắc tại một số công trình TĐ rất thấp. Việc xây dựng phương án PCLB cho vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp, vỡ đập... gặp nhiều khó khăn, ít được quan tâm. Nếu như tại các công trình TĐ lớn, đời sống người dân tái định cư từng bước ổn định, thì ở các dự án TĐ nhỏ đều chậm trễ trong tiến độ thu hồi, giao đất. Phương án sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ tái định cư, xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai chậm, chưa phù hợp với phong tục, tập quán người dân, gây khó khăn trong việc phát triển sản xuất và ổn định đời sống.

Theo các chuyên gia, quy hoạch TĐ nhỏ chưa thực sự quan tâm đến mục tiêu tổng hợp sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông, bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế-xã hội. Do chủ yếu nằm rải rác trên các sông suối nhánh, thuộc các khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn nên các tài liệu và thông tin cơ bản như khí tượng, thủy văn, địa hình, địa chất... còn thiếu.

Đó là chưa kể, nhiều chủ đầu tư không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đặc biệt,  hầu hết các nhà máy TĐ nhỏ đều chưa đánh giá được hết tác hại trong các trường hợp xả lũ khẩn cấp, vỡ đập để có các phương án đối phó dẫn đến tình huống bị động, gây thiệt hại đáng kể đối với vùng hạ du. Việc phối hợp liên ngành, kiểm tra, giám sát trong quá trình xây dựng TĐ nhỏ chưa hiệu quả. Các cơ quan có thẩm quyền không đủ nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết để kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thi công, mà chỉ kiểm tra khi có dư luận về các vấn đề môi trường của dự án.

Hơn nữa, công tác hoàn nguyên rừng không được quan tâm đúng mức. Đến nay, mới có 735 ha diện tích rừng được trồng bù do chuyển đổi mục đích làm TĐ (chiếm 3,7%). Việc nộp tiền cấn trừ thay nghĩa vụ trồng rừng vì nhiều địa phương không có quỹ đất trồng rừng thay thế không khỏi khiến dư luận lo lắng về hậu quả biến đổi khí hậu sau này.  

Ngoài ra, quy định về chế tài xử phạt vi phạm về an toàn đập, kiểm định đập; vai trò, trách nhiệm, sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước và chủ đầu tư chưa được ban hành kịp thời, rõ ràng và chưa được thực thi đầy đủ.

Cùng với 424 dự án TĐ nhỏ trong tổng số 1.239 dự án TĐ đã được phê duyệt bị loại khỏi quy hoạch, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới đầu tư xây dựng, vận hành đập và hồ chứa TĐ. Tiếp tục đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống quan trắc, giám sát, điều tra, khảo sát điều kiện tự nhiên; nghiên cứu, xây dựng các kịch bản phòng, chống lũ lụt vùng hạ du, ứng phó sự cố xả lũ khẩn cấp, tình huống vỡ đập.

;
Từ khóa: Tin tức khác

Bài liên quan