Dù tỷ lệ dự phòng điện của hệ thống điện quốc gia thường xuyên ở mức xấp xỉ 30% (kể cả giai đoạn sau 2020), song những phương án thiếu điện vẫn phải tính toán và có giải pháp trong từng giai đoạn, đặc biệt lưu ý điện cho khu vực miền Nam - chỉ đạo của Thủ tướng tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8 (27-28/8).
"Phải có trách nhiệm không để thiếu điện, dù đến giai đoạn đó không còn nhiệm kỳ của Chính phủ bây giờ. Việc này không đơn giản và phải triển khai ngay từ bây giờ. Phải có những giải pháp thuộc thẩm quyền Chính phủ, để đảm bảo đủ điện cho giai đoạn sau này, đặc biệt tới 2018' - Thủ tướng chỉ đạo tại phiên họp.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã trình Thủ tướng, Chính phủ bản báo cáo cập nhật cân bằng cung cầu và giải pháp đảm bảo cấp điện hệ thống điện quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét tới 2030. Các tính toán cho thấy, kịch bản thiếu điện dễ rơi vào khu vực miền Nam.
Ảnh: VGP
Cụ thể, giai đoạn 2016-2020 hệ thống điện toàn quốc về cơ bản đảm bảo đủ công suất với tỷ lệ dự phòng công suất thô toàn quốc ở mức hợp lý từ 27% đến 33% (tỷ lệ dự phòng thô yêu cầu cho hệ thống điện vận hành an toàn phải duy trì ở mức từ 25 đến 30% tại thời điểm phụ tải cao nhất trong năm).
Riêng các năm 2017-2019 có thể sẽ thiếu điện khu vực miền Nam với một tỷ lệ không đáng kể. Trong khi đó, miền Bắc và miền Trung có tỷ lệ dự phòng cao (thường xuyên ở mức từ 40-50% khu vực miền Bắc và từ 60-100% khu vực miền Trung), thì khu vực miền Nam có tỷ lệ dự phòng thấp (từ 22 đến 26%) mặc dù công suất truyền tải Trung - Nam đã lên rất cao tới mức xấp xỉ 4.000 MW.
Về điện năng, giai đoạn trên, điện năng truyền tải từ Bắc - Trung - Nam luôn ở mức rất cao, điện năng truyền tải từ miền Bắc vào miền Trung dao động từ 11,6 tỷ kwh đến gần 15,6 tỷ kWh, miền Bắc và Trung vào miền Nam từ 15,5-17 tỷ kWh. Miền Nam có thể thiếu điện năm 2017 khoảng 185 triệu kWh và năm 2018 khoảng 213 triệu kWh.
Với giai đoạn sau năm 2020, Bộ Công thương cho hay, từ sau 2019, khi hàng loạt các nhà máy nhiệt điện lớn khu vực miền Nam vận hành, đặc biệt giai đoạn 2021-2023 khi một số nhà máy nhiệt điện than lớn ở cả miền Trung và Nam được đẩy nhanh tiến độ vào vận hành, hệ thống điện quốc gia sẽ có tỷ lệ dự phòng ở mức khá cao, thường xuyên ở mức xấp xỉ 30%, đồng thời cân bằng cung cầu từng miền cũng sẽ được cải thiện rõ rệt, nên điện năng truyền tải giữa các miền sẽ giảm xuống ở mức an toàn từ 6 đến 11 tỷ kWh/năm.
Tiến tới bỏ bao cấp điện
Đánh giá các phương án điện cho miền Nam giai đoạn 2016-2020, Bộ Công thương đưa ra 3 phương án, đi kèm những giải pháp cụ thể xử lý. Theo đó, phương án 1 tính toán sản lượng thiếu 228 triệu kWh (2017), 2,7 tỷ kWh (2018), 1,1 tỷ kWh (2019).
Khả năng nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào, Campuchia đã được Bộ Công thương tính toán. Theo đó, không đưa vào cân đối nhập khẩu điện từ Trung Quốc trước năm 2020, nhập khẩu hạn chế từ Lào và không xem xét nhập khẩu điện từ Campuchia.
Trong khi đó, phương án 2 tính toán sản lượng thiếu 185 triệu kWh (2017), 213 triệu kWh (2018), tự cân bằng cung cầu và có tỷ lệ dự phòng nguồn ở mức yêu cầu,sản lượng điện truyền tài vẫn còn rất cao (2019)
Còn phương án 3 sản lượng thiếu 200 triệu kWh (2017), 900 kWh (2018) và 14 tỷ kWh (2019)
Chọn kịch bản rủi ro ít hơn, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng, Chính phủ chọn phương án 2, kèm theo đó là gói giải pháp cụ thể.
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cũng đề xuất cơ chế đặc thù cho một số công trình điện để thực hiên phương án trên. Bên cạnh đó, ông kiến nghị củng cố hạ tầng điện để thuận lợi cho ngành điện "đi trước một bước". Những năm trước, ngành điện bị tình trạng hẫng hụt đi sau. Nhưng vừa rồi đã có một loạt biện pháp, chỉ đạo thực hiện, có những cải thiện, nhưng tập trung hơn nữa để luôn đi trước trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gợi ý bộ, ngành liên quan cần lên kế hoạch cung cấp điện cho những năm tới không chỉ giai đoạn ngắn hạn mà cả cho giai đoạn 2020-2030. Nhấn mạnh vấn đề hiện nay nằm ở cơ chế, Thủ tướng ngoài lưu ý thực hiện quyết liệt những giải pháp, cần đẩy mạnh tiết kiệm điện trong toàn xã hội.
Về giá điện, Chính phủ chủ trương sẽ theo đuổi giá thị trường. Hiện nay giá điện bao cấp, thu dưới giá thành chiếm 25% tổng sản lượng điện toàn quốc. Trong đó, 16% sản lượng cấp cho hộ nghèo. Sắp tới, Chính phủ có thể tính toán bán điện cho hộ nghèo không lãi, dùng một phần ngân sách hỗ trợ hộ nghèo để bớt cung cấp điện bao cấp. Còn lại sẽ siết lại những khu vực hiện nay đang bán rẻ như hợp tác xã điện nông thôn (mua rẻ và bán lại cao hơn co dân), các cơ sở cung ứng khu công nghiệp...
Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân đồng tình không thể bao cấp giá điện mãi, cần có giá điện chung đảm bảo phù hợp thị trường. Với gia đình nghèo, nhu cầu sử dụng khiêm tốn có thể hỗ trợ bao cấp một phần. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hướng sử điện năng tiết kiệm như thay công nghệ sản xuất bóng đèn dây bằng led. Nếu thay thế toàn bộ đèn chiếu sáng cả nước, tiết kiệm cỡ 70-80 ngàn MW.