Theo đó, có 29 nhà máy điện trực tiếp nộp bản chào giá với Công ty Mua bán điện (EPTC). Tổng công suất lắp đặt của 29 nhà máy khoảng 9.035MW, trong đó gồm 13 nhà máy thủy điện, 11 nhà máy nhiệt điện than và 5 nhà máy tuabin khí. Ngoài ra, còn có 26 nhà máy điện gián tiếp tham gia vào thị trường do A0 công bố biểu đồ huy động, biểu đồ phát hoặc do Công ty Mua bán điện chào giá thay.
Cùng đó, 18 nhà máy điện khác tạm thời gián tiếp tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. Các nhà máy này sẽ do A0 tính toán và công bố biểu đồ phát cho các nhà máy. 19 nhà máy thủy điện và 1 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất lắp đặt 4.567MW cũng nằm trong danh sách dự kiến tham gia thị trường phát điện cạnh tranh khi chính thức vận hành thương mại.
Ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực cho biết, trong thời gian vận hành thí điểm, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản, các đơn vị phát điện trong và ngoài ngành điện, khẩn trương chuẩn bị các công việc liên quan đến cơ sở hạ tầng thông tin, cho việc chính thức vận hành thị trường phát điện cạnh tranh.
Trước đó, để chuẩn bị cho việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, Bộ Công Thương đồng ý cho EVN ký hợp đồng mua điện của một số nhà máy điện với giá tăng 5% so với năm 2011.
Theo Bộ Công Thương, thị trường phát điện cạnh tranh là bước đầu trong lộ trình phát triển thị trường điện tại Việt Nam, hướng đến mục tiêu đưa cạnh tranh vào khâu phát điện, đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động vận hành và định giá điện, thu hút đầu tư phát triển các nguồn điện mới.
Quyết định của Chính phủ về lộ trình và các điều kiện hình thành phát triển các cấp độ thị trường điện lực, thị trường điện Việt Nam sẽ hình thành và phát triển theo 3 cấp độ: thị trường phát điện cạnh tranh (giai đoạn 2005 – 2014); thị trường bán buôn cạnh tranh (giai đoạn 2014 – 2022) và thị trường bán lẻ cạnh tranh (giai đoạn sau năm 2022).
(Theo Điện tử Chính phủ)