Bộ Môi trường Trung Quốc đã quyết định phê duyệt dự án xây dựng đập thủy điện cao nhất thế giới (314 m) trên sông Đại Độ thuộc tỉnh Tứ Xuyên, có nguy cơ hủy diệt hệ thực vật và các loài cá hiếm sinh sống tại
đây.
Theo Tân Hoa Xã, con đập cao 314 m sẽ phục vụ cho hoạt động sản xuất tại nhà máy thủy điện Shuangjiangkou nằm dọc sông Đại Độ thuộc phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên.
Toàn bộ quá trình xây dựng sẽ kéo dài trong 10 năm và do một chi nhánh của tập đoàn năng lượng quốc doanh - Quốc Điện thực hiện với mức chi phí 24,7 tỷ Nhân dân tệ.
Con đập này sẽ vượt qua độ cao kỷ lục của đập Tam Hiệp (185 m) nằm trên sông Dương Tử - nhà máy thủy điện có công suất lớn nhất thế giới. Ngoài ra, con đập trên sông Đại Độ cũng sẽ soán ngôi kỷ lục về độ cao mới giành được của đập Nurek tại Tajikistan (300 m). Theo thống kê, con đập cao thứ 2 trên thế giới là đập Tiểu Loan trên sông Lan Thương (thượng nguồn Mekong) cũng nằm trong lãnh thổ của Trung Quốc.
Trước đó, Bộ Môi trường Trung Quốc từng đưa ra khuyến cáo rằng việc xây dựng đập thủy điện trên sông Đại Độ sẽ ảnh hưởng tới phần lớn các loài động thực vật cư trú tại khu vực này.
“Hoạt động của nhà máy thủy điện sẽ ảnh hưởng tới khả năng sinh sản và di chuyển của các loài cá quý hiếm cũng như sự phát triển của nhiều loài cây đang có nguy cơ tuyệt chủng bao gồm Chinese yew – loài cây thuộc nhóm bảo tồn số 1 quốc gia” Tân Hoa Xã trích tuyên bố của Bộ Môi trường Trung Quốc.
Sông Đại Độ là một nhánh của sông Dân dài 735 km, chảy xuyên qua trung tâm của tỉnh Tứ Xuyên trước khi hòa vào dòng chảy phía nam của sông Dương Tử.
Sau khi hoàn tất mọi hạng mục xây dựng con đập cao 314 m, tổng công suất của nhà máy thủy điện Shuangjiangkou sẽ đạt 2 GW và sản xuất gần 8 tỷ KW điện mỗi năm – lớn gấp 2 lần so với đập Hoover tại Mỹ.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đặc biệt chú trọng phát triển lĩnh vực thủy điện bởi quốc gia này muốn nâng tỷ lệ sử dụng các nguồn năng lượng phi hóa thạch lên 15% trong tổng số năng lượng sử dụng tới năm 2020.
Hồi tháng 1, chính phủ Trung Quốc cũng đã phê duyệt bản kế hoạch gây tranh cãi khi đồng ý cho xây dựng 13 đập thủy điệp ngay trên vùng thượng nguồn sông Thanlwin. Dự án này đã bị đình trệ trong gần 1 thập niên do chịu áp lực phản đối từ các nhóm bảo vệ môi trường.
Trong đó, các nhà khoa học và nhà hoạt động vì môi trường lo ngại việc triển khai xây dựng đồng loạt hơn chục con đập tại khu vực phía tây nam Trung Quốc sẽ khiến khu vực này hứng chịu nhiều thảm họa tự nhiên nghiêm trọng như động đất và sạt lở đất.
Năm 2004, một công trình thủy điện khác trên sông Đại Độ cũng đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân khi hàng chục ngàn nông dân sinh sống dọc các nhánh của con sông đồng lòng không chịu di dời tới khu tái định cư. Kết quả, chính quyền đã buộc phải hoãn kế hoạch xây dựng con đập Pubugou tại tỉnh Tứ Xuyên trong vòng 1 năm.
|