Máy bay sử dụng năng lượng mặt trời
Cơ sở vật lý để khai thác năng lượng mặt trời một cách công nghiệp là hiệu ứng ánh sáng chuyển thành điện (photovoltaic effect). Hiệu ứng này được nhà bác học Alexandre-Edmond Becquerel phát hiện từ năm 1839, cách đây gần 2 thế kỷ. Nhưng công nghệ điện mặt trời phát triển chậm, vì nó đòi hỏi sự phát triển của công nghệ vật liệu bán dẫn. Tấm điện mặt trời đầu tiên được lắp đặt để phục vụ Ngọn hải đăng Ogami (Ogami Lighthouse) ở đảo Ogami của Nhật Bản vào năm 1966, với công suất chỉ có 225 watt (bằng lượng tiêu thụ điện của vài cái bóng đèn). Từ đó đến nay, công nghệ điện mặt trời đã trải qua nhiều bước tiến bộ vượt bực. Nếu như vào quãng năm 1970, để có 1 watt công suất điện mặt trời cần chi phí 50 USD, thì đến năm 2010 giá thành đã giảm xuống dưới 2 USD cho 1W, và trong năm 2011 sẽ chỉ còn khoảng 1,20 USD cho 1 W, và còn có khả năng giảm tiếp trong những năm tới.
Ở mức giá 1,20 USD cho 1 W, điện mặt trời đã đạt được đến mức mà các chuyên gia gọi là «grid parity», tức là hiệu quả về mặt kinh tế không kém gì là đầu tư vào thủy điện, nhiệt điện. Trong tương lai gần, khi giá thành giảm đi thêm và hiệu quả chuyển ánh sáng thành điện tăng lên (hiện tại mới chỉ chuyển được khoảng 1/4 năng lượng ánh sáng thành điện), thì hiệu quả kinh tế của điện mặt trời sẽ còn vượt lên trên các loại năng lượng khác. Không những thế, điện mặt trời còn có những điểm ưu việt hơn hẳn các loại nhà máy điện khác: sạch, an toàn, không làm ô nhiễm môi trường như nhà máy nhiệt điện, không có nguy cơ gây thảm họa như là vỡ đập thủy điện hay nổ nhà máy điện nguyên tử; có thể được lắp đặt mọi nơi, mọi kích thước, từ một cái mái nhà nhỏ cũng có thể phủ các tấm điện mặt trời để cung cấp điện cho nhà, cho đến khu trạm điện mặt trời lớn với công suất hàng chục triệu watt trở lên, đủ cung cấp điện cho cả một thành phố.
Từ những năm trước, khi mà giá thành của việc đầu tư điện mặt trời còn cao, chưa có hiệu quả kinh tế rõ rệt, nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Pháp, Đức, Mỹ, Tây Ban Nha, v.v. đã khuyến khích đầu tư vào điện mặt trời bằng các trợ cấp của chính phủ. Chẳng hạn như nhà nước cam kết mua lại điện của những nhà dân lắp đặt hệ thống điện mặt trời với giá cao gấp mấy lần giá bán điện trong vòng nhiều năm, để người dân có thể thu hồi được vốn đầu tư vào điện mặt trời với tốc độc tương đương so với các đầu tư khác. Nhà nước bù lỗ để đổi lấy môi trường sạch sẽ, và khuyến khích đầu tư phát triển công nghệ điện mặt trời. Trong năm qua và những năm tới, các nước đang và sẽ cắt giảm dần trợ cấp chính phủ cho những người đầu tư vào điện mặt trời, nhưng bù lại giá thành đã rẻ đến mức không cần trợ cấp của chính phủ vẫn có lãi về kinh tế.
Nhà máy điện mặt trời ở Finsterwalde, Đức, hiện có công suất lớn nhất thế giới, 80.7 MW |
Ngay ở những nước có ít nắng như là Phần Lan, chính phủ cũng đang khyến khích nhân dân lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà. Đối với những nước nắng nóng nhiều như Việt Nam, thì điện mặt trời lại càng trở nên hấp dẫn. Cùng một bảng điện mặt trời, đặt ở Việt Nam có thể cho một lượng điện trong năm nhiều gấp đến 5-7 lần so với nếu đặt ở Phần Lan. Hơn thế nữa, các bảng điện mặt trời đặt trên mái nhà còn có tác dụng làm cho nhà đỡ bị hun nóng, đỡ tốn điện cho quạt gió hay điều hòa nhiệt độ. Những vùng hoang vu, sỏi đá, khô cằn, không tốt cho nông lâm nghiệp hay khu công nghiệp, cũng có thể biến thành các nhà máy điện mặt trời với hiệu quả kinh tế cao. Điện mặt trời có thể trở thành cơ hội cho Việt Nam giải quyết vấn đề năng lượng trong những năm tới nếu chúng ta có chương trình phát triển năng lượng hợp lý...
(Theo Tiasang.com.vn)