Đại diện của các chủ nợ là ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc có cho phép Vinashin hoãn trả khoản nợ nói trên hay không, cho dù thời điểm thanh toán (20/12) đã đến.
60 triệu USD là khoản trả nợ đầu tiên trong số tiền 600 triệu USD mà Vinashin phải trả cho đợt phát hành trái phiếu năm 2007. Đợt phát hành này được Vinashin thực hiện thông qua Credit Suisse và bắt đầu tới hạn trả vào ngày hôm nay (20/12). Theo hợp đồng, việc trả nợ sẽ được chia thành 10 lần, mỗi lần cách nhau 6 tháng.
Tuy nhiên, việc không có khả năng trả đúng hạn số tiền 60 triệu USD đầu tiên đã được Vinashin thông báo hồi cuối tháng 11, cùng với đề nghị được hoãn thời hạn trả nợ thêm một năm.
Vinashin hy vọng sẽ kiếm được tiền trả nợ từ việc bán doanh nghiệp. Ảnh: AFP |
Trả lời phỏng vấn TTXVN cuối tuần qua, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin Nguyễn Ngọc Sự cho biết doanh nghiệp này hiện “rất khó khăn, chưa có nguồn để trả nợ”. Tuy nhiên, ông Sự cũng khẳng định nếu được gia hạn trả nợ thêm một năm, Vinashin “chắc chắn sẽ thu xếp được”.
Theo đại diện của Vinashin, nguồn vốn mà doanh nghiệp này có thể thu xếp trong vòng 12 tháng tới sẽ đến từ việc tái cơ cấu tập đoàn (bán dự án để thu hồi vốn, cổ phần hóa, bàn giao tàu, xử lý tồn kho ). Trong đó, Chủ tịch Vinashin đặt nhiều hy vọng vào việc chuyển nhượng 216 doanh nghiệp phải sắp xếp lại của tập đoàn. Tổng số tiền thu được từ việc bán các công ty này ước khoảng 23.000 tỷ đồng (khoảng hơn một tỷ USD).
Hy vọng là vậy nhưng theo ông Nguyễn Ngọc Sự, tính đến thời điểm này, Vinashin vẫn chưa nhận được quyết định chính thức từ phía các chủ nợ mà đại diện là Credit Suisse, về việc có được hoãn trả hay không. Lý do mà Credit Suisse đưa ra, theo ông Sự, là do ngân hàng này vẫn chưa nhận được 100% biểu quyết từ phía các nhà đầu tư nên chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng.
Trong khi đó, theo hãng tin AFP, hầu hết các chủ nợ, trong đó, phần lớn là ngân hàng quốc tế hiện khá “kín tiếng” về khả năng gia hạn nợ cho Vinashin. Bản thân doanh nghiệp này cũng như Credit Suisse đều từ chối bình luận về vấn đề này khi được phía AFP liên hệ phỏng vấn.
Rắc rối của Vinashin đã ảnh hưởng khá nhiều tới uy tín nợ của Việt Nam thời gian gần đây. Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s vừa hạ mức tín nhiệm đối với trái phiếu của Việt Nam từ mức Ba3 xuống B1. Đồng thời hãng này cũng hạ xếp hạng đối với tiền gửi ngoại tệ của 6 ngân hàng thương mại từ B1 xuống B2 do có liên quan đến các khoản nợ của Vinashin.
Trong khi đó, đại diện của Chính phủ Việt Nam cũng không ít lần khẳng định, khoản nợ của Vinashin (ước khoảng 86.000 tỷ đồng) sẽ do doanh nghiệp này “tự vay, tự trả”. Điều này khiến các nhà đầu tư quốc tế quan ngại về khả năng Chính phủ sẽ hạn chế can thiệp, ngay cả trong trường hợp Vinashin không được gia hạn trả nợ.
(VnExpress)