Theo thiết kế tổng thể thị trường điện, Việt Nam đang thực hiện cấp độ thứ 2 của thị trường này, đó là thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Cấp độ này sẽ được tiến hành thử nghiệm trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2018 và vận hành chính thức từ năm 2019.
Theo dõi chặt chẽ các thông số vận hành thị trường điện. Ảnh: Ngọc Thọ/Icon.com.vn
Sau gần 6 tháng vận hành thử nghiệm trên giấy, đã có nhiều vấn đề tồn tại, đòi hỏi phải nhanh chóng giải quyết để đảm bảo thị trường này được vận hành theo đúng lộ trình, kế hoạch đã đề ra.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục điều tiết điện lực, Bộ Công thương, từ đầu năm đến nay, các Tổng công ty điện lực đã bắt đầu làm quen với các giao dịch trên thị trường bán buôn cạnh tranh thông qua một số hợp đồng mua bán điện. Và dù mới thực hiện trên giấy, nhưng cũng đã bộc lộ những khó khăn lớn vẫn đang tồn tại của thị trường phát điện cạnh tranh chưa giải quyết được. (Theo lộ trình, thị trường phát điện cạnh tranh vẫn tiếp tục diễn ra đến hết năm 2018. Năm 2019 mới chính thức vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh). Ông Nguyễn Anh Tuấn, cho biết, hiện nay, Bộ Công thương đang cùng các nhà tư vấn quốc tế triển khai thực hiện những công đoạn cuối cùng của dự án “xây dựng quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam” nhằm tiến tới việc xây dựng dự thảo Thông tư quy định vận hành Thị trường bán buôn điện cạnh tranh từ tháng 7/2016.
"Đến tháng 7/2016, chúng ta vận hành thị trường phát điện cạnh tranh được 4 năm. Từ năm 2016 chuyển sang thị trường bán buôn, từ thị trường 1 người mua sang thị trường nhiều người mua, đây là bước chuyển căn bản nên cũng có rất nhiều khó khăn. Khó khăn trước tiên là chúng ta phải xây dựng các quy định, cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh, sau đó là phải triển khai đồng bộ với thiết kế này và thứ nữa là nguồn nhân lực để vận hành hệ thống". Ông Tuấn cho biết.
Sau gần 6 tháng vận hành thử nghiệm thị trường bán buôn điện trên giấy - giai đoạn đầu tiên của thị trường bán buôn điện cạnh tranh, cùng với rất nhiều những khó khăn tồn tại về giá mua/bán điện, về vận hành, sự khác biệt về công suất, nguồn hiện hữu thì những dự báo trong tương lai với các nguồn năng lượng mới như điện gió, điện mặt trời tham gia thị trường cũng đặt ra những thách thức cho thị trường điện. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, những khó khăn về thời tiết, khô hạn nặng đã ảnh hưởng không nhỏ tới các nhà máy thủy điện khi tham gia vào thị trường. Nhiều nhà máy phát điện khu vực miền Trung và miền Nam đã bị đưa ra khỏi thị trường điện để thực hiện nhiệm vụ điều tiết nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt vùng hạ du theo quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện. Đây chính là tồn tại của thị trường phát điện cạnh tranh cần có cơ chế phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho các nhà máy thủy điện, đồng thời, đảm bảo cho việc vận hành theo đúng quy trình liên hồ chứa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Dưới góc độ của nhà phân tích, TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để có thị trường điện, phải nhanh chóng tái cơ cấu ngành điện, cải cách thể chế, đưa Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) độc lập với EVN và Cục điều tiết điện lực độc lập với Bộ Công thương.
Theo ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam, đề án tái cơ cấu ngành điện đang được EVN triển khai. Theo đó, sẽ thúc đẩy việc cổ phần hóa các Tổng công ty phát điện (Genco 1-2-3) đảm bảo theo đúng kế hoạch. Đại diện EVN cũng cho biết đang nỗ lực triển khai đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt để đảm bảo đến năm 2018 Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia sẽ phải trở thành một tổ chức hoạt động độc lập trong ngành điện, bắt đầu lộ trình bán buôn điện cạnh tranh theo đúng kế hoạch.