Cùng với 2 tuyến đường dây 500kV mạch 1 và 2, đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông (mạch 3) khi hoàn thành sẽ góp phần quan trọng đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho không chỉ TP Hồ Chí Minh và cả miền Nam.
Quyết định chiến lược
Đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phướ c- Cầu Bông (mạch 3) được đánh giá là công trình có ý nghĩa rất quan trọng đối với hệ thống điện Việt Nam trong việc đảm bảo cấp điện cho miền Nam và TP HCM sau năm 2013. Tuy nhiên, việc triển khai thi công dự án lại không hề đơn giản, đặc biệt là những công đoạn thi công qua TP HCM.
Và để giải quyết vấn đề này, ông Trần Quốc Lẫm - Phó Tổng giám đốc EVN NPT cho biết, sau khi nghiên cứu, khảo sát, EVN NPT đã chọn giải pháp sử dụng tuyến cũ của hai đường dây 500kV mạch 1 và mạch 2 để tạo đường hai mạch, sau đó lấy một tuyến để làm đường dây mạch 3.
Một yếu tố chiến lược khác khi EVN NPT quyết định triển khai dự án theo ông Lẫm là thời điểm cắt điện và phương án thích hợp nhất là trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 11/2013. Ông phân tích: Nếu chậm trễ là không thể cắt điện được vì đến tháng 12 và tháng Giêng là vào mùa khô ở TP HCM. Bởi đây là giai đoạn phụ tải luôn ở mức cao.
Nói về tầm quan trọng của dự án này, ông Lẫm khẳng định: Đây là một “Chiến dịch” cắt điện 55 ngày đêm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đòi hỏi ngành điện vừa phải đảm bảo đủ điện cho khu vực phía Nam, vừa không được tiết giảm điện theo yêu cầu của Chính phủ, vừa phải huy động tổng lực trong một thời gian ngắn để hoàn thành công trình đúng tiến độ đề ra.
“Trên thực tế, trong quá trình cắt điện 55 ngày chỉ chia làm hai giai đoạn chính. Cụ thể: Trong thời gian 40 ngày đầu, vừa thi công móng mới, vừa phải kéo dây và tháo cột cũ để giải phóng hành lang tuyến; 15 ngày còn lại chỉ tập trung xử lý việc đấu nối và tháo dỡ các vị trí cũ để thi công vị trí mới. Do vậy, các đơn vị xây lắp phải thi công một khối lượng rất lớn trong 55 ngày. Ban AMT cũng phải giải quyết một khối lượng lớn về công tác giải phóng mặt bằng trải dài trên 6 tỉnh, thành phố để bàn giao cho nhà thầu thi công, đáp ứng tiến độ” - ông Lẫm nói.
Các đơn vị thi công của ngành điện đang "3 cùng" trên đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông (mạch 3).
Còn theo ông Nguyễn Hữu Ý - Phó Giám đốc Công ty Xây lắp điện 2, khối lượng mà ngành điện phải thực hiện trong 55 ngày đêm của chiến dịch là rất lớn và để đáp ứng yêu cầu tiến độ, anh em công nhân đã không có ngày nghỉ, lại phải làm bên cạnh đường dây…
"Chúng tôi phải huy động gần hết lực lượng, có thời điểm tới 600 người trên công trường để thi công đồng loạt ở tất cả các vị trí nhằm kịp tiến độ. Khối lượng 15 ngày tới không nhiều nhưng lại bị khống chế bởi thời gian. Theo đó, trong 12-13 ngày phải dựng hai cột lớn trong ruộng lớn không có đường, còn căng dây trong 2 ngày. Vì vậy, khi cắt điện là chúng tôi phải bắt tay làm ngay, không thể chờ đợi", ông Ý nói.
Đánh giá về quá trình cắt điện 55 ngày đêm, Phó Tổng Giám đốc Trần Quốc Lẫm nhấn mạnh: "Với sự chỉ đạo sát sao của NPT, sự năng nổ của Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung, Công ty Xây lắp điện 2 tập trung lực lượng, sự phối hợp chặt chẽ của UBND TP HCM, UBND huyện Củ Chi và bà con trong vùng ảnh hưởng của dự án đã giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ đưa toàn bộ công trình về đích đúng hẹn".
Theo ông Lẫm, để cắt điện đường dây 500kV mạch 1 và mạch 2, điều kiện tiên quyết EVN NPT phải hoàn thành Trạm biến áp (TBA) 500kV Sông Mây, đường dây 500kV Sông Mây - Tân Định và Phú Mỹ - Sông Mây. Trong thời gian cắt điện, điện lưới quốc gia vẫn phải cung cấp ổn định, liên tục cho TP HCM và các tỉnh lân cận.
Nút thắt Cầu Bông
Song song với việc đẩy nhanh tiến độ thi công đường dây 500kV mạch 3 qua chiến dịch 55 ngày đêm, EVN NPT cũng xúc tiến triển khai thi công TBA 500kV Cầu Bông cho kịp tiến độ đóng điện với công trình này vào cuối tháng 4 sang năm. Đây là trạm có vai trò quan trọng trong việc cấp điện cho khu vực TP HCM và miền Đông Nam Bộ trong giai đoạn từ năm 2013. Ngoài ra, trạm còn là nơi đấu nối cho đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông để truyền tải công suất cao từ miền Trung vào miền Nam.
Trạm 500kV Cầu Bông là công trình trọng điểm quốc gia được xây dựng tại ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP HCM. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.637 tỷ bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Đơn vị thi công là liên doanh nhà thầu Công ty Xây lắp điện 4 và Công ty Xây lắp điện 1.
Ông Nghiêm Hữu Tuyền, Trưởng phòng kế hoạch Công ty Xây lắp điện 4 kiêm Trưởng ban điều hành dự án Trạm 500kV Cầu Bông cho biết, hiện nay công trình đã hoàn thành phần xây dựng sân 500kV và sân 220kV; tháng 1 thiết bị sẽ về công trường để lắp đặt trong tháng 4/2014. Nhà điều khiển và các nhà bay sẽ hoàn thành trong tháng 12 tới. Đường trong trạm phục vụ thi công đến đâu thì hoàn thành đến đó, phần ngoài trạm cũng đang tập trung hoàn thiện rải đá mặt đường để vận chuyển thiết bị.
Cũng theo ông Tuyền, khó khăn ở đây là điều kiện địa hình xây dựng công trình trong vùng đất lầy trũng, không ổn định, khâu khảo sát thiết kế phải thay đổi, phân tường rào bổ sung thêm cọc. Về cơ bản khâu thiết kế đã giải quyết xong, những hạng mục bị chậm nhà thầu đã tìm cách bù được khối lượng để đảm bảo tiến chung trên công trường. Thời điểm này, trên công trường cao điểm tới 300 công nhân, chia làm 10 nhóm thi công, đang tăng cường lắp trụ thiết bị. "Đến nay, tiến độ công trình đã đạt yêu cầu nhà thầu đã cam kết với chủ đầu tư", ông Tuyền khẳng định.
Đánh giá về nhà thầu thi công Trạm 500kV này, ông Mai Ngọc Hiển, Giám sát Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam cho rằng năng lực nhà thầu đảm bảo. Hiện nhà thầu đang tập trung toàn bộ lực lượng cho phần giàn trụ cổng sân 500kV với khối lượng đã đạt được gần 80%.