Thứ năm, 25/07/2013 | 15:49

Cần chia sẻ với ngành Điện

 Làm sao để ngành thép, xi măng phát triển bền vững và ổn định trong bối cảnh giá điện không thể không tăng. Đây là câu hỏi khó bởi liên quan tới bài toán lợi ích của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên hầu hết các nhà quản lý, chuyên gia đều cho rằng, với khó

Cần chia sẻ với ngành Điện

Cần chia sẻ với ngành Điện

 Làm sao để ngành thép, xi măng phát triển bền vững và ổn định trong bối cảnh giá điện không thể không tăng. Đây là câu hỏi khó bởi liên quan tới bài toán lợi ích của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên hầu hết các nhà quản lý, chuyên gia đều cho rằng, với khó khăn chồng chất của ngành Điện như hiện tại, xã hội và các doanh nghiệp sử dụng điện cần sự chia sẻ và thông cảm với EVN.


Tại tọa đàm để ngành thép, xi măng phát triển ổn định, bền vững vừa mới được tổ chức thì nhiều chuyên gia và nhà quản lý cho rằng ngành thép và xi măng cần chia sẻ khó khăn với ngành Điện. Ảnh: ST

Thép và xi măng sử dụng nhiều năng lượng

Tại cuộc tọa đàm với chủ đề “Để ngành Thép và Xi măng phát triển ổn định, bền vững” tổ chức ngày 24/7 tại Hà Nội, ông Bùi Quang Chuyện - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công Thương cho biết, ngành thép hiện này còn bộc lộ một số tồn tại, có thể kể đến là chưa cân đối nhu cầu sản phẩm (có một số sản phẩm cung vượt xa so với cầu, nhưng có nhiều sản phẩm phải nhập khẩu). Ngoài ra, đa số các doanh nghiệp sản xuất thép với quy mô công suất nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu và chưa thân thiện với môi trường, đặc biệt các chỉ số tiêu hao như tiêu hao than cốc (đối với Lò cao), điện năng và điện cực (đối với Lò điện hồ quang).

Đối với sản xuất xi măng, nhiều dự án chưa có thiết bị tận dụng nhiệt khí thải, nhà máy xi măng sẽ tự sản xuất khoảng 15% lượng điện tiêu thụ cũng như chưa thực sự tiết kiệm tối đa năng lượng.

Theo đánh giá của ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, trong tổng sản lượng điện sử dụng trong ngành công nghiệp Việt Nam chiếm 70%, trong đó ngành thép và xi măng chiếm 11-12% theo như báo cáo tới thời điểm này mới chỉ là con số ban đầu còn thực tế tỉ lệ này có thể cao hơn nữa. Ngành thép và xi măng hiện nay vẫn là ngành tiêu hao năng lượng tương đối lớn.

Sản xuất thép là ngành tiêu thụ nhiều điện năng. Ảnh: Ngọc Thọ

Ngành Điện đối diện nhiều khốn khó

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN cũng cho rằng, thực tế hiện nay giá điện bình quân là 1.600 đồng/kWh và ngành điện đang lỗ rất lớn, không đủ tiền để chi trả nguyên liệu cho các ngành khác như than, khí. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, điện nợ than và khí gần 10.000 tỷ đồng.

Với ngành Điện ai cũng biết với giá bán điện đang được ấn định ở mức thấp như hiện nay, EVN rất khó cân đối tài chính và cũng không đủ vốn để tái đầu tư, phát triển. Cụ thể, giá bình quân của khu vực là 10 cent/kWh, còn Việt Nam là 7 cent/kWh. Vì giá điện rẻ, nhiều chủ đầu tư các dự án BOT đều đã rời bỏ. Ngành điện đối diện với thực tế là không có tiền và đi vay thì rất khó khi đầu tư các dự án. Nếu tính sơ sơ, bình quân một dự án nhiệt điện than công suất 1.000 MW đã cần đến 1,7 tỷ USD. Riêng vốn đối ứng mỗi dự án tầm 30 – 40% thì một lúc xây dựng cả 10 dự án như vậy, vốn đối ứng cũng cần tới vài tỷ USD. Điều đó cho thấy, bài toán về cân đối tài chính và xoay sở đủ vốn với EVN là rất khó trong cơ chế giá phi thị trường như hiện nay.

“Giá điện mỗi lần tăng 1 - 5% thì cũng chẳng thấm vào đâu so với số lỗ do bán điện dưới giá thành. Ngành thép và xi măng cần phải thông cảm cho ngành điện vì ngành điện đang chịu lỗ rất lớn và chịu sức ép đầu tư mạnh.” - Ông Ngãi bày tỏ.

Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công Thương Bùi Quang Chuyện khẳng định các doanh nghiệp sản xuất thép cần chia sẻ khó khăn với EVN. Giá điện hiện nay chưa theo giá thị trường và rẻ hơn các nước trong khu vực nên việc. Do vậy, việc khuyến khích hạn chế sử dụng điện, sử dụng điện vào giờ thấp điểm, không khuyến khích sử dụng công nghệ tiêu hao điện năng là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

 “Khái niệm độc quyền không phải do EVN muốn độc quyền mà do lịch sử để lại. Không ai có thể thay thế ngành điện, từ việc xây dựng nhà máy, truyền tải, quản lý, bán lẻ, cung cấp đến tận hộ gia đình... EVN cũng muốn được chia sẻ nhưng không biết chia sẻ như nào?” – ông Ngãi người có kinh nghiệm về Điện lực bức xúc.

Giải pháp nào?

Theo ông Ngãi, ngành xi măng, ngành thép cần có cái nhìn xa hơn, có quy hoạch đồng bộ mang tính vừa phát triển vừa cân đối cung cầu, đồng thời phải có chính sách tìm kiếm năng lượng. Ví dụ, xử lý chất thải tạo ra tuốc-bin nhỏ để phục vụ cho khoảng 25% nhu cầu điện cho ngành xi măng. Ngành thép nên cơ cấu lại, cần đầu tư công suất cỡ 1 triệu tấn/năm trở lên chứ không đầu tư nhỏ lẻ. Công suất cao, công nghệ mới sẽ giảm tiêu hao năng lượng

“Thời gian tới, cần tăng cường các dự án thép hiện đại dần thay thế những nhà máy gang, thép manh mún, sử dụng công nghệ lạc hậu. Nhất quyết, từ năm 2013 trở đi không cấp phép cho các dự án mới với công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng.” – ông Chuyện khẳng định với phóng viên.

Ông Chuyên cũng cho rằng, giá điện tăng là điều không tránh khỏi. Đối với ngành thép và xi măng thì đặt ra 2 vấn đề. Đó là, có nên tăng giá điện với 2 ngành này; thứ hai là hai ngành này phải đổi mới công nghệ.

“Cần có quan điểm rõ ràng, tăng giá điện để đủ lượng vốn ngoài chi phí cho ngành Điện tái đầu tư phát triển, nếu tăng thêm từ 2 - 16% cần cân nhắc kỹ. Ngành thép và xi măng cần báo cáo chính xác mỗi một năm tiêu thụ bao nhiêu kWh điện, tiết kiệm được bao nhiêu và mức độ ảnh hưởng đến ngành Điện và năng lượng VN là như thế nào. Phía ngành Điện cũng cần có điều tra rất kỹ vì ngành thép và xi măng có nhu cầu cao như vậy thì cần nâng giá bán điện lên.” – Ông Trần Viết Ngãi khuyến nghị.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương:

Tiêu thụ điện của ngành thép và xi măng:

-    Năm 2011, ngành thép và xi măng tiêu thụ 5,7 tỷ KWh

-    Năm 2012 tiêu thụ là 5,6 tỷ kWh

-    Và 6 tháng năm 2013 tiêu thụ 2,6 tỷ kwh chiếm 4,8 % sản lượng điện


Tổng tiêu thụ điện của thép và xi măng trong trong ngành công nghiệp nói chung: Năm 2010: 12%; Năm 2011: 11,6%; Năm 2012: 11,4%. Dự báo năm 2013: 10%.


Chi phí giá thành điện năng trong giá thành sản phẩm thép:

-    Sản xuất phôi thép từ thép phế sử dụng lò điện hồ quang là 550-600kwh/tấn, chi phí điện năng chiếm khoảng 5-6% chi phí giá thành.

-    Với dự án lớn sử dụng lò điện hồ quang, giá thành sẽ dưới 5%.

-    Với thép cán nguôi, thép cán ống chi phí điện năng chỉ chiếm 0,6-1,8%.

;
Từ khóa: Tin tức khác

Bài liên quan