Thứ hai, 06/01/2014 | 10:03

Điều chưa từng biết về thủy điện cột nước cao nhất Đông Nam Á

Thi công công trình Thủy điện Séo Chong Hô, nếu chỉ để một tia nước từ đường ống áp lực cao tới 833m này bắn ra thì cả một khối bê tông dày 3m còn bị xuyên thủng huống chi là thân người…

Điều chưa từng biết về thủy điện cột nước cao nhất Đông Nam Á

Điều chưa từng biết về thủy điện cột nước cao nhất Đông Nam Á

Thi công công trình Thủy điện Séo Chong Hô, nếu chỉ để một tia nước từ đường ống áp lực cao tới 833m này bắn ra thì cả một khối bê tông dày 3m còn bị xuyên thủng huống chi là thân người…


Vận hành nhà máy thủy điện cột nước cao nhất Đông Nam Á. (Ảnh: Ngọc Thọ)

Là công trình thủy điện hợp tác đầu tiên giữa ngành Điện hai nước Việt – Trung, Thủy điện Séo Chong Hô là công trình được những người làm thủy điện Việt Nam và các chuyên gia các nước mệnh danh là dự án thủy điện “xương” nhất trong số các dự án thủy điện vừa và nhỏ của nước ta.

Cụ thể, công trình thủy điện 22MW này (tại xã Bản Hồ, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai) có đường ống áp lực dài 2,2km và cao kỷ lục 833m. Khởi công từ năm 2008 và sau 5 năm thi công ròng rã giờ đã đi vào vận hành thương mại cho những dòng điện đầu tiên.

Tuy nhiên, nhắc lại khoảng thời gian thi công, không ít chuyên gia thủy điện cũng phải “rùng mình” bởi độ khó và tính chất vô cùng phức tạp của dự án. Cụ thể, dự án được xây dựng nhờ con suối Séo Chong Hô với nguồn nước ổn định và có độ dốc cao phù hợp cho việc làm thủy điện. Tuy nhiên, để dẫn nước, phải xây dựng đường ống lực trải mình như “con trăn khổng lồ” và chiều cao của đường ống cũng chưa từng có và với đội ngũ chuyên gia kỹ thuật cũng như công nhân thì đây cũng là lần đầu tiên họ trực tiếp thi công một công trình đặc biệt như thế này.

Một chuyên gia của Cục công trình thủy lợi, thủy điện số 3 (Trung Quốc) cho hay: Đường ống áp lực dài 2,2km cần tới 350 đoạn đường ống ghép lại, mỗi đoạn dài 6m và có ống nặng tới 6,5 tấn thì phải dùng máy tời để nhích từng centimét một. Số lượng công nhân phục vụ cho việc thi công đường ống lên tới 500 người. Riêng việc hàn kim, hàn xì phải giám sát và chú ý từng li từng tí vì với áp lực một tia nước bắn ra gấp 10 lần áp lực của viên đạn súng trường thì cả khối bê tông dày 3m còn bị xuyên thủng huống chi là con người”.

“Kỷ niệm vui là thời điểm mới thi công dự án, mỗi khi nổ mìn phá núi, anh em trong ban quản lý dự án phải nhờ trường học của xã để tổ chức cơm, rượu mời toàn bộ bà con trong bản ra ăn uống say sưa. Đến khi nổ mìn xong mới cho bà con về để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho tính mạng người dân trong bản. Với những hạng mục như tháp điều áp, đường hầm dẫn nước, khi hoàn thiện nếu thấy có dấu hiệu có thể gây sạt lở trong tương lai, chúng tôi cho đan lưới thép phi 10, phun vẩy bê tông dày 15 centimét để “hóa đá” vị trí bị hở, trồi đất nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối, tránh sạt lở trong quá trình sử dụng, vận hành.

Với hồ chứa nước có dung tích lên tới 7,6 triệu m³, công trình có chức năng điều tiết giảm, tránh lũ cho hạ du khi có dung tích dự phòng lũ 2 triệu m³.” - ông Đỗ Tuấn Anh - Trưởng ban Kinh doanh Tổng công ty Điện lực miền Bắc và hồi đó là trưởng ban quản lý dự án nhớ lại.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Đức Sơn - Tổng giám đốc Công ty TNHH đầu tư điện lực Việt – Trung (đơn vị đầu tư, quản lý, vận hành công trình) cho hay, dự án khởi công vào năm 2008 và triển khai trong giai đoạn kinh tế khó khăn, lạm phát gia tăng nên việc huy động vốn có giai đoạn tưởng chừng như bế tắc. Tuy nhiên với sự tạo điều kiện và sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các Bộ, ngành và nỗ lực xoay sở, bố trí vốn của Tổng công ty Điện lực miền Bắc và Công ty Lưới điện Vân Nam (Trung Quốc) – đơn vị góp vốn chính thì công trình đã về đích đúng hẹn khi cuối năm 2012 đã phát điện và đến nay đã phát lên lưới được 125 triệu kWh và cho doanh thu 122,5 tỷ đồng, nộp ngân sách, đóng thuế đáng kể cho địa phương.

Với tổng vốn đầu tư 850 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Điện lực Miền Bắc (Việt Nam) chiếm 51% và Công ty Lưới điện Vân Nam (Trung Quốc) chiếm 49% vốn góp, Thủy điện Séo Chong Hô đang chứng minh hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn khi ngày đêm phát lên lưới điện quốc gia nguồn điện năng quý giá nhất là cao điểm mùa khô cả nước gặp khó trong cung ứng điện. Công trình đang góp phần xây đắp quan hệ hợp tác hai nước Việt - Trung.

;
Từ khóa: Tin tức khác

Bài liên quan