Tại Họp báo thường kỳ tháng 10 diễn ra chiều ngày 4/11, Bộ Công Thương cho biết, do nhu cầu dùng điện tiếp tục giảm qua các tháng nên tính chung 10 tháng lượng điện tiêu thụ của nước ước đạt 95,7 tỷ kWh, tăng 9,5% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, thời gian vừa qua ngành điện đã tổ chức khai thác hợp lý các nhà máy thủy điện để tận dụng các đợt nước cuối vụ và đảm bảo mục tiêu tích nước cuối năm. Trong tháng 10, do ảnh hưởng của lũ nên các hồ chứa thủy điện Kanak, An Khê, Pleikrong, Yaly, Sê San 3, Sê San 4, Buôn Kuốp, A Vương và sông Ba Hạ xả lũ và xả điều tiết.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã khẩn trương khắc phục các sự cố do bão lũ gây ra, đảm bảo vận hành an toàn lưới điện 220-500kV, nhất là đường dây 500 kV Bắc-Nam. Vì vậy, sản lượng điện tháng 10 ước đạt 10,7 tỷ kWh, tăng 7,7% so với tháng 10/2012. Tính chung 10 tháng của năm ước đạt gần 103,4 tỷ kWh, tăng 8,2% so với cùng kỳ.
Việc cung cấp điện trong tháng ổn định, không thực hiện tiết giảm điện, đảm bảo đáp ứng đủ cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của người dân. Tại một số tỉnh miền Trung, do ảnh hưởng của cơn bão số 11 nên đã ngừng cấp điện trên diện rộng nhưng ngành điện đã khẩn trương khắc phục nhanh chóng để cấp điện trở lại.
Trong tháng 10, cơ cấu điện dùng cho công nghiệp và xây dựng tăng, nhưng điện dùng cho quản lý và tiêu dùng dân cư giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, điện cấp cho công nghiệp và xây dựng tăng 12,6%, điện cấp cho công nghiệp và khách sạn, nhà hàng tăng 13%, điện dùng cho quản lý và tiêu dùng dân cư tăng 13,1%. Nhu cầu điện tiếp tục giảm qua các tháng nên tính chung 10 tháng lượng điện tiêu thụ ước đạt trên 95,7 tỷ kWh, tăng 9,5% so với cùng kỳ.
Trả lời câu hỏi của báo chí về kết luận của Thanh tra Chính phủ về EVN vừa qua, đại diện Cục Điều tiết điện lực cho biết, đây mới chỉ là ý kiến ban đầu về các vấn đề phát hiện tại EVN. Theo quy định, sau khi các bộ, ngành có ý kiến, Thủ tướng Chính phủ sẽ có kết luận chính thức về EVN. Ngay sau khi có kết luận cuối cùng từ Chính phủ, với trách nhiệm là cơ quan chủ quản, Bộ Công Thương sẽ kiên quyết chỉ đạo xử lý những sai sót của EVN nếu có. Còn những vấn đề liên quan đến các nguyên nhân khách quan như bất cập từ quy chế, chính sách, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tìm hướng giải quyết để khắc phục, đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển.
Về ý kiến cho rằng các nhà máy thủy điện chậm chi trả phí dịch vụ môi trường, Cục Điều tiết điện lực cũng cho hay, theo báo cáo EVN ngày 9/1/2013 thì toàn bộ số tiền phí dịch vụ môi trường rừng của năm 2010-2011 đã hoàn trả đúng cam kết. Còn với các nhà máy thủy điện khác không thuộc EVN thì trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh nơi cấp phép quản lý các doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án thủy điện.
Theo ông Lê Tuấn Phong - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, hiện nay tại các địa phương có các dự án thủy điện lớn, vừa và nhỏ đều đã thu được từ hàng chục đến hàng trăm nghìn tỷ đồng phí dịch vụ môi trường rừng mỗi năm. Chỉ có một số doanh nghiệp nhỏ khó khăn về tài chính nên chậm trả phí, Bộ Công Thương cũng đã có chỉ đạo xem xét các phương án tính chi phí vào giá điện, vì vậy không có lý do gì mà các chủ đầu tư dự án thủy điện lại không nộp phí.