Thứ năm, 29/08/2013 | 10:14

Giải quyết vấn đề thiếu điện ở Miền Nam: Nhiều công trình đang ở giai đoạn nước rút

Tháng 8 ở Tây Nguyên, mưa kéo dài rả rích. Mưa cả ngày đêm. Thỉnh thoảng đôi chút trời như chợt tạnh nhưng rồi cũng bất chợt một cơn mưa lại tới dành chỗ của cơn mưa cũ đã đi qua. Khi đó những hạt đậu còn nằm trong vỏ chưa kịp hái, vội lại nảy mầm trên

Giải quyết vấn đề thiếu điện ở Miền Nam: Nhiều công trình đang ở giai đoạn nước rút

Giải quyết vấn đề thiếu điện ở Miền Nam: Nhiều công trình đang ở giai đoạn nước rút

Tháng 8 ở Tây Nguyên, mưa kéo dài rả rích. Mưa cả ngày đêm. Thỉnh thoảng đôi chút trời như chợt tạnh nhưng rồi cũng bất chợt một cơn mưa lại tới dành chỗ của cơn mưa cũ đã đi qua. Khi đó những hạt đậu còn nằm trong vỏ chưa kịp hái, vội lại nảy mầm trên chính những thân cây. Cây cỏ đua nhau mọc. Mùa mưa cũng chính là mùa để cây cỏ sinh sôi, tô thắm cho vùng đất cao nguyên.

Nhưng với những người thợ đang xây dựng đường dây 500kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông, công trình vào giai đoạn nước rút để kịp đóng điện trước mùa khô năm 2014, giải quyết giải pháp tình thế thiếu điện cho các tỉnh phía Nam, khi mà một loạt công trình nguồn nhiệt điện ở Miền Nam bị chậm tiến độ thì mùa mưa là chuỗi ngày đầy khó khăn, vất vả. Họ phải tận dụng không phải từng ngày mà là từng giờ khi khi trời chợt tạnh để lên tuyến dựng cột, vận chuyển vật liệu. Và để cho đường dây này  đưa vào vận hành đúng tiến độ thì một loạt công trình lưới điện 220kV, 500kV ở phía Nam cũng phải gấp rút đóng điện trong tháng 9 này.


Công nhân Công ty Truyền tải Điện 4 thí nghiệm, nghiệm thu để chuẩn bị tiếp nhận, vận hành trạm biến áp 500kV Sông Mây. Ảnh: Ngọc Hà

Hồi tháng Ba, chúng tôi cũng có mặt nơi đây, khi công trình cấp bách trọng điểm quốc gia đường dây 500kV Pleiku- Mỹ Phước-Cầu Bông đang ở giai đoạn căng thẳng nhất của công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng chậm một ngày thì tiến độ của các đường găng phía sau chậm thêm nhiều ngày và điều đáng lo nhất là giai đoạn dựng cột, kéo dây rơi vào mùa mưa khi mà cột chưa được được tập kết tại tuyến.  

Tháng Ba Tây Nguyên, “mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông hút nước” cũng là lúc cái nắng mùa khô đã lên đến đỉnh điểm và rất “khát”… khô như vốn dĩ bao nhiêu năm qua. Đã thế năm nay, tình hình hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên lại căng thẳng nhất trong vòng hơn 20 năm qua. Hạn hán đã “hút” gần như cạn kiệt nước trên các ao hồ, sông suối...

Nhớ lại thời điểm mùa khô vào khoảng tháng 3, tháng 4 ở Tây Nguyên, để duy trì sự sống cho các khu vườn, trang trại trồng Cà Phê, người nông dân phải rất cực khổ tìm nguồn nước, khoan giếng ngầm, thuê máy bơm tưới tiêu định kỳ hàng tuần mới mong vượt qua được. Cái nắng làm cho mặt đất  khô khốc. Cầm một hòn đất lên tay, thấy nóng hầm hập, tựa như có hơi thở của gió Lào. Bóp vụn ra. Bột đất nhẹ tơi, nhẹ tỏa trong không khí, xộc vào mũi, nóng khé cổ. Bụi đất đỏ bazan làm cho đất trời như chìm trong sắc nắng của lò lửa. Anh em công nhân thi công đào móng cột trong nắng rát, chói chang và bụi đất. Bầu trời cao cứ xanh ngằn ngặt, không một gợn mây. Thảng hoặc mới có một sợi gió mỏng mảnh, không đủ lay động cả một ngọn cỏ. Những cánh rừng khộp thở dốc, thoi thóp như cạn sức. Những vạt cỏ vàng úa, táp nắng, xác xơ, kiệt lả. Ngay tán lá của những cây kơ nia vốn đượm mát, dẻo bền là thế cũng bắt đầu trở nên tai tái, rũ cụp, thoi thóp và khắc khoải. Những người tham gia xây dựng đường dây đã đi qua 6 tháng mùa khô trong lao động miệt mài để hoàn thành 926 vị trí móng cột, để rồi vào mùa mưa, khi các con sông dòng suối ở Tây nguyên hầu hết đều đỏ ngầu phù sa và cuồn cuộn chảy, trên dòng chảy dồi dào của Sêrêpôk huyền thoại, các dòng thác Dray nur, Dray Sap, Gia Long, Trinh Nữ  hung dữ hơn bao giờ hết, họ lại tích trữ lương thực, thực phẩm để trường kỳ trên tuyến thi gan với mùa mưa Tây Nguyên.

Các nhà thầu thi công Xây lắp điện 1, 2, 4 và 3 (nay là Tổng công ty CP Xây dựng điện Việt Nam) đều là những đơn vị xây lắp đường dây “có hạng” trong làng xây dựng điện Việt Nam và có mặt từ khi đường dây 500kV đầu tiên nối hệ thống lưới điện Nam-Bắc,  đến đường dây 500kV Peiku-Mỹ Phước-Cầu Bông còn gọi là mạch 3 của đường dây 500kV, thì về công nghệ cũng như kinh ngiệm xây dựng được nâng lên một tầm cao mới. Thay vì trước đây lắp hoàn thành một vị trí cột mất hàng tháng trời thì nay chỉ khoảng 10 ngày.

Ở dải miền Trung Tây nguyên này, người ta nói, cơn bão đi qua để lại hoang tàn đổ nát. Con lũ quét đi qua để lại xói lở, sụp trôi và bùn lầy đè lấp bên dưới nó tất cả những gì của một cuộc sống vốn đã chật vật, lao lung. Những người xây dựng công trình điện đi qua thì để lại những con đường, những thị trấn, thị tứ mới và sự sung túc của người dân khi có điện.

Khi những gần nghìn cột điện được dựng lên uốn lượn ngoằn ngoèo ngang dọc theo đồi núi, vượt sông suối, vắt qua những đỉnh núi cao vút mù sương quanh năm mới thấy hết công sức vất vả nặng nhọc của những người tham gia xây dựng đường dây, từ  công tác quản lý dự án, giải phóng mặt bằng, tới bốc vác, vận chuyển, lái xe, giữ kho cũng như hàng ngàn anh chị em cán bộ trực tiếp thi công trên những tuyến đường.

Do khó khăn về quỹ đất trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông đoạn đi trên địa phận huyện Củ Chi phải sử dụng hành lang tuyến của đường dây 500kV Đăk Nông - Phú Lâm phải cải tạo lên 2 mạch để sử dụng cho công trình; đường dây 500kV Tân Định - Phú Lâm, đoạn từ vị trí cột 1097  đến 1113 cũng cải tạo lên 2 mạch, trong đó 1 mạch sẽ được hoàn trả cho đường dây 500kV Đăk Nông - Phú Lâm. Đồng thời, sử dụng hành lang tuyến của đường dây 110kV Tân Định – Phú Hòa Đông - Củ Chi hiện hữu để cải tạo lên 4 mạch: 2 mạch 500kV sử dụng cho công trình và 2 mạch 110kV để hoàn trả và dự phòng cho đường dây 110kV Tân Định – Phú Hòa Đông - Củ Chi (đoạn từ vị trí cột 8202 đến 8301). Ngoài ra, để tận dụng hành lang của đường dây 500kV, đoạn từ 8301 đến 8403 cũng tiến hành cải tạo lên 4 mạch, trong đó 2 mạch sẽ được sử dụng cho đường dây đường dây 110kV Tân Định – Phú Hòa Đông - Củ Chi (đoạn đường dây 110kV hiện hữu từ  vị trí cột 77 – 68 sẽ được tháo dỡ để hoàn trả hành lang tuyến cho địa phương).

Việc thi công các đoạn tuyến nêu trên liên quan đến việc cắt điện các đường dây 500kV Tân Định-Phú Lâm; đường dây 500kV Đăk Nông-Phú Lâm; đường dây 110kV Tân Định-Phú Hòa Đông-Củ Chi; các đường dây 110kV (Tân Định-Phú Hòa Đông-Củ Chi và Hóc Môn-Tân Quy-Phú Hòa Đông), các đường dây trung thế và hạ thế có giao chéo với các đoạn tuyến đường dây cần xây dựng nêu trên. Đặc biệt, việc thi công các đoạn tuyến 500kV trên sẽ làm gián đoạn thông tin cáp quang trên các đoạn tuyến đường dây 500kV Tân Định-Phú Lâm và Đăk Nông-Phú Lâm. Ngoài ra, phương án thi công đòi hỏi việc phối hợp thi công đồng bộ các vị trí đấu nối vào trạm Cầu Bông thuộc dự án trạm 500kV Cầu Bông do Ban AMN quản lý dự án, cũng như cần sự phối hợp của nhiều đơn vị liên quan như Công ty truyền tải điện 4, Tổng công ty điện lực Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Điện lực miền Nam, Các Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Nam, Công ty mạng lưới Viettel…  

Theo phương án đã được các đơn vị thống nhất, để thi công đoạn cải tạo đường dây 500kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông, thời gian cắt điện đường dây 500kV Đăk Nông-Phú Lâm để thi công giai đoạn 3 là 15 ngày (trong đó có 2 ngày cắt điện đồng thời cả 2 đường dây sẽ được thực hiện vào ngày chủ nhật). Song, để đảm bảo việc triển khai thi công các đoạn tuyến cải tạo nêu trên bắt đầu từ giữa tháng 9-2013 (sau thời gian cắt khí Nam Côn Sơn), cần thiết phải hoàn thành các dự án liên quan chậm nhất ngày 15-9-2013, Ban quản lý dự án các công trình điện miền Nam phải hoàn thành đưa vào vận hành các đường dây 500kV Phú Lâm-Ô Môn (Phú Lâm-Long An), Phú Mỹ-Sông Mây, Sông Mây-Tân Định, trạm 500kV Sông Mây; Công ty truyền tải điện 4 phải  hoàn thành dự án nâng dung lượng tụ bù dọc các đoạn đường dây Pleiku-Phú Lâm; Tổng công ty điện lực miền Nam (EVNSPC) phải hoàn thành đưa vào vận hành công trình cải tạo đường dây 110kV Trảng Bàng 2-Trảng Bàng- KCN Trảng Bàng.

Đến nay, đường dây 500kV Sông Mây-Tân Định, trạm biến áp 500kV Sông Mây, nâng dung lượng tụ bù dọc các đường dây Pleiku- Phú Lâm đều đã được hoàn thành và đóng điện. Công tác giải phóng mặt bằng các dự án đường dây 500kV Phú Lâm- Ô Môn (đoạn Phú Lâm-Long An), Phú Mỹ- Sông Mây vẫn còn vướng vài điểm nhưng đều có thể giải quyết để đảm bảo tiến độ. Tuy nhiên, đường găng của các dự án trên hiện nay lại đang nằm ở nhà cung cấp cột điện Thành Long. Cho đến thời điểm hiện tại, nhà thầu cung cấp cột thép Thành Long đang còn “nợ” so với tiến độ với số lượng cột thép khá lớn, mặc dù việc cung cấp cột thép đã bị “trễ hẹn” nhiều lần và với khoảng thời gian còn lại của tiến độ sẽ không còn độ lùi cho Công ty Thành Long./

;
Từ khóa: Tin tức khác

Bài liên quan