Theo báo cáo của Sở Công Thương Hải Phòng, đến ngày 30/8/2013, Hải Phòng đã có 116/139 xã đạt tiêu chí số 4 về điện, chiếm 83,45% (vượt 8,45% so với kế hoạch). 100% số xã sử dụng điện thường xuyên, an toàn.
Tập trung nguồn lực đầu tư cho hệ thống lưới điện
Tính đến quý I/2013, tổng giá trị đầu tư tiêu chí số 4 ở Hải Phòng đạt 371,162,278,338 đồng. Hệ thống lưới điện được đầu tư cải tạo đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định đã làm thay đổi bộ mặt khu vực nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn, nâng cao đời sống văn hóa - xã hội trên địa bàn. Tổn thất điện năng giảm, chất lượng điện được nâng cao, điện áp ổn định, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh hoạt động thương mại, dịch vụ, tạo thêm việc làm cho người lao động.
Để đảm bảo tiến độ xây dựng nông thôn mới, ngành điện cần ưu tiên phân bổ vốn cho Hải Phòng để thực hiện đầu tư, cải tạo hệ thống lưới trung áp và TBA quá tải hoặc vị trí đặt xa trung tâm phụ tải. Đề nghị Bộ Công Thương sớm có hướng dẫn cơ chế hoàn trả lưới điện trung áp nông thôn để Công ty điện lực Hải Phòng có cơ sở thực hiện hoàn trả vốn cho một số tổ chức điện nông thôn đã bàn giao lưới điện.
Theo Sở Công Thương Hải Phòng, khó khăn nhất là hệ thống lưới điện trung áp nông thôn trước đây được xây dựng nhằm phục vụ tưới tiêu, nay chuyển sang phục vụ dân sinh nên hệ thống lưới điện chưa đảm bảo, chất lượng điện kém, tổn thất cao. Hiện còn 23 xã chưa hoàn thành tiêu chí số 4 do đường dây trung áp và trạm biến áp (TBA) quá tải không đủ cung cấp điện phục vụ nhân dân, hoặc do TBA đặt xa trung tâm phụ tải hoặc không đáp ứng quy định kỹ thuật chuyên ngành. 2/7 huyện chưa có quy hoạch phát triển điện lực, gây khó cho việc thực hiện các tiêu chí xây dựng cơ sở hạ tầng. Việc huy động vốn xây dựng hạ tầng nông thôn rất khó khăn. Công tác bàn giao điện nông thôn còn vướng do thiếu nguồn vốn hoàn trả, chưa có quy định, hướng dẫn về bàn giao TBA, lưới trung áp… làm ảnh hưởng đến việc thực hiện tiêu chí số 4. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay, thành phố chưa bố trí kinh phí trực tiếp của chương trình cho việc hoàn thành thực hiện tiêu chí số 4. 100% kinh phí xây dựng điện nông thôn mới đều do các tổ chức hoạt động lĩnh vực điện nông thôn chịu trách nhiệm.
Theo kế hoạch, năm 2014, Sở Công Thương tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị khẩn trương đầu tư, cải tạo, nâng cấp lưới điện tại các xã, đáp ứng nhu cầu sử dụng phụ tải tại 23/139 xã chưa hoàn thành tiêu chí số 4. Từ năm 2015, 100% các hộ dân được sử dụng điện lưới, quản lý vận hành lưới điện nông thôn đảm bảo chất lượng.
Trên quan điểm xã hội hóa, tận dụng và phát huy mọi nguồn lực đầu tư, Sở Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp hoạt động điện lực lĩnh vực điện nông thôn phải đầu tư hệ thống lưới điện theo quy định của Luật Điện lực. Theo đó, Công ty Điện lực Hải Phòng chịu trách nhiệm đầu tư lưới hạ thế tại 76 xã do công ty đang quản lý bán điện trực tiếp; Công ty CP điện nước lắp máy chịu trách nhiệm đầu tư lưới hạ thế tại 16 xã; Công ty CP đầu tư xây lắp điện Hải Phòng chịu trách nhiệm đầu tư tại 28 xã; các xã còn lại do các tổ chức quản lý kinh doanh bán lẻ điện khác chịu trách nhiệm đầu tư hệ thống lưới điện.