Thứ hai, 03/03/2014 | 13:28

Hạn chế tối đa việc sửa chữa các tổ máy nhiệt điện trong 6 tháng mùa khô

Từ đầu năm đến nay, thời tiết khí hậu cả nước đang ngày càng diễn biến phức tạp và có nhiều dấu hiệu bất thường. Mùa khô ở miền Trung kéo dài đến tháng 8, nắng nóng kéo dài làm nhu cầu điện tăng đột biến, nước về các hồ thủy điện giảm nhanh hơn dự kiến.

Hạn chế tối đa việc sửa chữa các tổ máy nhiệt điện trong 6 tháng mùa khô

Hạn chế tối đa việc sửa chữa các tổ máy nhiệt điện trong 6 tháng mùa khô

Từ đầu năm đến nay, thời tiết khí hậu cả nước đang ngày càng diễn biến phức tạp và có nhiều dấu hiệu bất thường. Mùa khô ở miền Trung kéo dài đến tháng 8, nắng nóng kéo dài làm nhu cầu điện tăng đột biến, nước về các hồ thủy điện giảm nhanh hơn dự kiến.

Các nhà máy điện đã sẵn sàng phương án cung ứng cho mùa khô

Trên một số sông, mực nước đã xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng thời kỳ. Lượng dòng chảy trên phần lớn các sông đều thiếu hụt so với trung bình cùng kỳ nhiều năm từ 16-57%, một số sông còn thiếu hụt trên 60%.  Tổng lượng mưa tháng 1/2014 ở khu vực Trung Trung bộ, thiếu hụt so với cùng kỳ nhiều năm từ 20-60%, các khu vực khác trên toàn quốc phổ biến thấp hơn từ 80% đến trên 90%, gây nguy cơ đe dọa trực tiếp đến các nhà máy thủy điện, nhất là khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Hiện tại hệ thống điện quốc gia có tổng công suất lắp đặt các nhà máy phát điện là 26.700MW, công suất khả dụng toàn hệ thống là 20.400MW, trong khi công suất tiêu thụ cả nước là 18.600MW, năm 2014 sẽ tiếp tục bổ sung 4.466MW. Ngoài ra, đang xây dựng đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông và đường dây 500kV Vĩnh Tân - Song Mây - Tân Định nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn và ổn định cho miền Nam và khu vực TP.HCM.

Với mục tiêu không để thiếu điện trong mùa khô 2014, tại Thông báo số 22/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu các nhà máy điện nâng cao độ sẵn sàng, hạn chế tối đa việc sửa chữa các tổ máy nhiệt điện trong 6 tháng mùa khô. Các nhà máy thủy điện phối hợp với địa phương điều hành tốt việc phát điện, chống lũ, cấp nước, phát huy các hiệu ích tổng hợp của công trình.

Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cho biết, với chủ đề “Tối ưu hóa chi phí và điện cho miền Nam”, EVN đặt kế hoạch sản xuất và mua 140,5 tỷ kWh điện, tăng 9,9% so với năm 2013, sẵn sàng đáp ứng cho khả năng nhu cầu điện tăng cao hơn.  EVN đã lên phương án cân đối giữa khả năng nguồn và nhu cầu phụ tải, đưa ra 6 phương án cung cấp điện cho năm 2014. Theo đó, lượng điện thương phẩm sẽ tăng 10-11,5%, tần suất nước về các hồ thủy điện 50-75% lưu lượng theo thiết kế căn cứ trên 5 năm vận hành gần nhất. Trường hợp xấu nhất như phụ tải tăng cao hơn 11,5%, lượng nước về thấp nhất (50%), đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông không kịp vận hành từ cuối tháng 4 thì sẽ huy động khoảng 624 triệu kWh nhiệt điện dầu để đủ điện đáp ứng nhu cầu.

EVN cũng đang chỉ đạo các nhà máy thủy điện xây dựng phương án vận hành hợp lý, khai thác cao nhất hiệu quả các hồ thủy điện trên tinh thần ưu tiên nước cho sinh hoạt và sản xuất, đảm bảo huy động theo tình hình thủy văn thực tế và nhất là chủ động kế hoạch tích nước cho phát điện đến cuối mùa khô năm 2014. Những tháng cao điểm mùa khô, các đơn vị tăng cường công nhân trực vận hành để kịp thời xử lý sự cố, giải quyết nhanh chóng, vận hành lưới điện linh hoạt, giảm thời gian mất điện và phạm vi mất điện. Các đơn vị điện lực xây dựng các kịch bản để điều hành và phân phối điện trong điều kiện hệ thống điện vận hành bình thường và trong điều kiện thiếu 1%, 2%, 4%, 6%, 8% và 10% sản lượng và công suất hệ thống. Mặt khác, tiếp tục vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả cho từng nhóm đối tượng khách hàng cụ thể.
;
Từ khóa: Tin tức khác

Bài liên quan