Một trong những vấn đề khiến dư luận quan tâm là thời gian qua các công trình thủy điện có xả lũ sai quy trình không? Hiện nay các quy trình xả lũ đã thực sự chuẩn xác chưa. Tại sao đến nay vẫn chỉ có 5/11 quy trình vận hành liên hồ được ban hành. Làm thế nào để nâng cao chất lượng hồ đập thủy điện???
Sẽ quản lý chặt hơn
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, thủy điện đã đóng góp rất hiệu quả đối với thực hiện chiến lược an ninh năng lượng quốc gia, góp phần phát triển kinh tế xã hội, cắt giảm lũ vào mùa mưa, cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt của người dân ở hạ du. Tuy nhiên, Thủy điện cũng có những bất cập, hạn chế, tiêu cực. Để giảm thiểu thiệt hại, phải kiên quyết tìm nguyên nhân và có giải pháp căn cơ hơn để có thể khắc phục cơ bản thiếu sót, tồn tại để người dân hiểu và đồng tình với chủ trương phát triển thủy điện.
Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nghị quyết chuyên đề về thủy điện, thắt chặt quản lý Nhà nước trong quy hoạch thủy điện tập trung vào một đầu mối; xem xét lại cơ chế phân cấp ủy quyền đối với các dự án thủy điện, rà soát lại quy chế vận hành các hồ chứa; kiên quyết yêu cầu trồng bù đủ diện tích rừng bị thu hồi và xử lý nghiêm sai phạm.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục 61 hồ chứa thủy lợi, thủy điện lớn quan trọng trên 11 lưu vực sông phải xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa. Tuy nhiên, việc xây dựng các quy trình vận hành liên hồ phải đảm bảo hài hòa giữa hiệu quả phát điện với các yêu cầu về an toàn tuyệt đối cho công trình, góp phần chống lũ, giảm lũ, bảo đảm yêu cầu sử dụng nước cho hạ du trong cả mùa lũ lẫn mùa cạn. Vì vậy, cần điều tra, khảo sát, thu thập, tổng hợp, xử lý thông tin số liệu liên quan; xây dựng các mô hình thủy văn thủy lực, tính toán hàng trăm phương án phối hợp vận hành hồ trong mùa cạn, mùa lũ, lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan, đặc biệt là đối với các vấn đề chuyển nước, chuyển đổi dòng chảy... Hiện nay, trong số 11 hệ thống liên hồ chứa, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 5 quy trình, còn 6 quy trình phấn đấu sẽ xây dựng và trình Chính phủ xem xét phê duyệt trong năm 2014.
Hoàn thành quy trình vận hành liên hồ chứa vào năm 2014
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Nghị quyết 62 của Quốc hội và Chính phủ đã yêu cầu trong năm 2014 phấn đấu ban hành các quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện. Theo đó, đối với liên hồ chứa chưa có quy trình vận hành về mùa mưa phải hoàn thành trong năm 2014; đối với liên hồ chứa đã có quy trình vận hành nhưng chưa phù hợp thì phải rà soát, chỉnh sửa, bổ sung. Đồng thời, sớm ban hành quy chế vận hành liên hồ chứa trong mùa khô.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng cho biết, thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành 2 quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Sê San và sông Srepok; trình Thủ tướng Chính phủ quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng trong quý I năm 2014. Tập trung xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa (trong cả mùa cạn và mùa lũ) trên các lưu vực sông còn lại như: Sông Đồng Nai, sông Hương, sông Mã, sông Cả... Phấn đấu đến cuối năm 2014, đầu 2015 sẽ hoàn thành việc xây dựng các quy trình vận hành liên hồ chứa theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
Chính phủ đã phân công Bộ Công Thương là cơ quan tổng hợp chịu trách nhiệm về quy hoạch thủy điện. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ trồng bù diện tích rừng, rà soát lại các hồ chứa thủy lợi để đảm bảo an toàn. Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn chỉnh các quy trình vận hành liên hồ chứa, kể cả quy trình vận hành mùa mưa và mùa khô. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm về những dự án thủy điện đã được phân cấp ủy quyền.