Không chỉ khó khăn trong giải phóng mặt bằng để kéo dây, ngay cả những đường điện được Bình Phước đầu tư hoàn thiện suốt gần 4 năm qua cũng không thể đóng điện được vì những rừng cây cao su vi phạm an toàn hành lang lưới điện.
Việc bảo vệ hành lang lưới điện cao áp rất khó khăn do vướng cây cao su - Ảnh: Chơn Thành
Công ty Điện lực Bình Phước đang quản lý vận hành 2.909 km đường dây trung áp và 3047 km đường dây hạ áp. Lưới điện trung, hạ áp trải rộng trên địa bàn toàn tỉnh, lại đi dọc theo các vườn cây cao su nên việc bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp gặp rất nhiều khó khăn. 9 tháng đầu năm, địa bàn tỉnh xảy ra 24 vụ về sự cố lưới điện trung áp do vi phạm hành lang lưới điện, gây mất điện đối với 150.584 khách hàng. Thiệt hại nhiều nhất là các nhà máy chế biến mủ cao su phải ngưng hoạt động, công nhân phải nghỉ chờ việc, cuộc sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn.
Theo ông Hoàng Huy, Phó giám đốc Chi nhánh điện cao thế Bình Phước (Công ty lưới điện cao thế miền Nam), việc cung cấp điện cho 6 trạm biến áp 110kV cũng như việc đảm bảo hành lang an toàn lưới của gần 500 km đường dây 110kV trên tỉnh Bình Phước cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Lý do là có tới 400 km đường dây 110kV đi qua rừng cây cao su, trong đó khoảng 50km đi qua rừng cao su lâu năm, trong khi người trồng cao su lại ngăn cản không cho phát quang hành lang tuyến.
Ông Lê Tấn Quang, Phó giám đốc Công ty Điện lực Bình Phước, cho biết tỷ lệ số hộ có điện của Bình Phước so với nhiều tỉnh vẫn còn thấp, đạt khoảng 95%, vướng mắc chủ yếu ở khâu giải phóng hành lang an toàn lưới điện. Đáng chú ý, từ khâu chuẩn bị mặt bằng để làm cột kéo dây cho đến khi hoàn thiện cũng không đóng được điện do tình trạng cây cao su “vi phạm” hành lang lưới là chủ yếu. “Có những đoạn đường dây 22kV (thuộc khu vực tỉnh lộ 756 thuộc H.Chơn Thành), chính quyền địa phương đã bỏ vốn ra làm xong gần 4 năm trời mà cũng không đóng điện được do không giải tỏa được cây cao su”, ông Quang cho hay.
Ông Lâm Đức Dũng, cán bộ giao thông - thủy lợi xã Minh Lập, H.Chơn Thành cho biết, hiện xã còn 2 ấp là Ấp 5 và Ấp 7 là chưa có điện lưới quốc gia. Theo kế hoạch, cuối tháng 12.2013 phải hoàn thành để nhân dân có điện đón Tết, tuy nhiên vẫn còn một vài hộ trồng cao su chưa thống nhất với phương án đền bù giải tỏa hành lang tuyến để trả mặt bằng cho đơn vị thi công. Ngay cả những hộ đã đồng ý phương án đền bù cũng chưa bố trí được ngân sách chi trả.
Theo ông Dũng, từ khi có luật Điện lực, địa phương cũng khuyên bà con không nên trồng cây gần khu vực điện, nhưng cũng không thể cấm được. “Hiện tại mới chỉ giải tỏa được đến hành lang lộ giới, bên trong hành lang thì xã đang đề xuất UBND huyện và tỉnh khi đụng vào đất của dân thì phải đền bù cho dân. Địa phương cũng đi vận động bà con cho phép điện lực đi phát quang hành lang tuyến định kỳ hàng năm. Nếu không, chập điện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đường dây và nguy hiểm rất lớn cho người dân đi làm đêm”, ông Dũng nói.
Ngoài ra, để khắc phục tình trạng cây cao su làm “khó” lưới điện, do hiện có rất nhiều trường hợp sau khi thanh lý cây cao su, các công ty cao su trên địa bàn tỉnh lại trồng gần hành lang an toàn lưới điện cao áp, khiến cho tình trạng vi phạm hành lang lưới điện ngày càng nghiêm trọng, ông Lê Tấn Quang kiến nghị chính quyền các cấp của tỉnh Bình Phước cần thu hồi lại diện tích đất có cây cao su vi phạm, sau khi các công ty này đã thanh lý cây cao su già.