Thứ sáu, 06/12/2013 | 10:37

Khuyến nghị cho các dự án thủy điện miền Trung

Dựa trên kết quả nghiên cứu của "Dự án thủy điện miền Trung Việt Nam: Tầm quan trọng trong sự tham gia của cộng đồng" do Trung Tâm Nghiên Cứu Phát triển Xã hội (CSRD), Viện Rosa Luxemburg (RLS) và ICCO thực hiện tháng 11/2013, Tổ chức Mạng lưới Sông ngòi

Khuyến nghị cho các dự án thủy điện miền Trung

Khuyến nghị cho các dự án thủy điện miền Trung

Dựa trên kết quả nghiên cứu của "Dự án thủy điện miền Trung Việt Nam: Tầm quan trọng trong sự tham gia của cộng đồng" do Trung Tâm Nghiên Cứu Phát triển Xã hội (CSRD), Viện Rosa Luxemburg (RLS) và ICCO thực hiện tháng 11/2013, Tổ chức Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam đã đưa ra 5 khuyến nghị chính sách đến các nhà đầu tư và chính quyền địa phương về các dự án thủy điện miền Trung hiện nay.

Nhìn đa chiều hơn về tác động xã hội và môi trường

Báo cáo phân tích, Việt Nam là một nền kinh tế phát triển ổn định và nhanh chóng trong 2 thập kỷ qua, trong đó, tăng trưởng kinh tế đã đi kèm với nhu cầu phát triển nhanh chóng về năng lượng. Để đáp ứng nhu cầu gia tăng này, Việt Nam đang mở rộng xây dựng các đập thủy điện.

Tại khu vực miền Trung Việt Nam, nhiều đập thủy điện đã được quy hoạch và phát triển hơn 20 năm qua. Việc xây dựng các đập thủy điện đã làm gia tăng nhiều mối quan tâm, trong đó có rất nhiều dự án thủy điện gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và xã hội. Nghiên cứu thực địa tại tỉnh Quảng Nam, đã cung cấp thêm cái nhìn đa chiều về các tác động xã hội và thiệt hại về môi trường do việc phát triển thủy điện gây nên.

Cụ thể, nghiên cứu tại Thôn Hai và Thôn Nước Lang của tỉnh Quảng Nam, cho thấy, tác động của đập thủy điện Đak Mi 4 đã ảnh hưởng đến cuộc sống của 69 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Diện tích đất được cấp khi tái định cư rất ít và đất kém màu mỡ dẫn đến nguồn cung cấp thực phẩm cho dân cư bị ảnh hưởng. Ngoài ra, người dân phải vật lộn với tình trạng thiếu việc làm, thu nhập kém và cuộc sống rất nghèo khổ. Cộng đồng vùng hạ lưu cũng bị ảnh hưởng bởi tác động do thủy điện gây ra. Trong nhiều trường hợp, các cam kết bảo vệ môi trường đã không được tuân thủ.

Với dự án thủy điện Sông Tranh 2 đã khiến cho 1.046 hộ gia đình phải di dời tái định cư. Bồi thường đất cho các hộ di dời đã không được thực hiện đầy đủ khiến cuộc sống của họ không được đảm bảo. Điều này đã làm rất nhiều nguời dân phải vào rừng khai thác gỗ trái phép hoặc săn bắn động vật hoặc đốt rừng để lấy đất sản xuất. Ngoài ra, các dự án thủy điện cũng đã lấy đi một diện tích đất rừng lớn. Mất rừng kết hợp với tình trạng phá rừng đang diễn ra của nguời dân tái định cư đang gây ảnh hưởng lớn đến đa dạng sinh học nơi đây.

Tại thủy điện Sông Bung 4, cũng xuất hiện nhiều vấn đề xoay quanh việc thực hiện các chính sách đền bù tái định cư. Sau khi tái định cư người dân chỉ nhận được 1,5 ha đất đền bù. Trong tổng số 91% người được hỏi thì họ cho biết: diện tích đất được tái cấp quá ít, không đủ để tiếp tục công việc canh tác. Bên cạnh đó, chất lượng đất được cấp cũng không đảm bảo cho việc sản xuất các loại cây thực phẩm cung cập lương thực hằng ngày.

5 khuyến nghị chính sách cấp thiết

Nghiên cứu thực địa đã chỉ ra rằng có rất nhiều rủi ro và chi phí liên quan đến việc phát triển thủy điện. Thiệt hại về môi trường và xã hội khó khắc phục được, thậm chí là không thể. Vì vậy cần có một chính sách hợp lý nhằm đem lại kết quả tốt hơn cho môi trường và con người khi thực hiện xây dựng một dự án thủy điện. Theo đó, Tổ chức Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam đã đưa ra 5 khuyến nghị chính sách cho các dự án thủy điện miền Trung.

Thứ nhất, bắt buộc phải thực hiện và giám sát đánh giá tác động xã hội như một phần không thể thiếu trong quy trình phê duyệt dự án thủy điện. Nếu một dự án mà có kết quả đánh giá tác động môi trường và xã hội là quá lớn thì có thể loại bỏ khỏi quy hoạch. Điều này sẽ giúp tránh được những thiệt hại về xã hội và môi trường cho đất nước và con người.

Thứ hai, tuân thủ các yêu cầu về đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường. Các nhà đầu tư thủy điện cần đảm bảo các cam kết về bảo vệ môi trường, cung cấp thông tin kịp thời trong việc điều tiết nước để đảm bảo sự an toàn của cộng đồng và sinh kế cộng đồng. Các ngành chức năng như Bộ Tài nguyên & Môi trường và Sở Tài nguyên & Môi trường cần quyết tâm hơn nữa trong việc kiểm tra giám sát việc tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường của nhà đầu tư và lôi cuốn người dân tham gia vào quá trình này.

Thứ ba, các cơ quan quản lý cần thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng dân cư trong suốt quá trình quy hoạch, triển khai và xây dựng. Tiếng nói của những người dân, của chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội dân sự phải được lắng nghe. Sự tham gia của họ sẽ đảm bảo rằng họ sẽ được bồi thường thích hợp về đất sản xuất cũng như tiền bạc để có thể duy trì chất lượng cuộc sống sau tái định cư. Người dân phải được tạo điều kiện để tham gia vào quá trình kiểm tra giám sát tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường.

Thứ tư, nâng cao tính minh bạch để tạo ra một quy trình ra quyết định đuợc rõ ràng và minh bạch cho các bên liên quan. Tính minh bạch sẽ bảo vệ cho cộng đồng bị ảnh hưởng và thúc đẩy sự công bằng và tạo điều kiện tốt hơn cho người dân bị tái định cư và người dân bị ảnh hưởng ở vùng hạ lưu.

Thứ năm, chính quyền địa phương cần theo dõi chặt chẽ từ quá trình quy hoạch, tiến hành xây dựng và vận hành các nhà máy thủy điện. Điều này sẽ giúp nhìn nhận các tác động một cách thấu đáo hơn và đưa ra các điều chỉnh kịp thời phòng tránh và giảm nguy cơ rủi ro môi trường và xã hội.


;
Từ khóa: Tin tức khác

Bài liên quan