Thứ hai, 25/11/2013 | 10:03

Kon Tum tích cực triển khai công tác bảo vệ an toàn lưới điện truyền tải

Ngày 22/11/2013, Tại Hội trường Công an Tỉnh, Ban chỉ đạo bảo vệ hệ thống điện Quốc gia tỉnh Kon Tum đã triển khai Hội nghị sơ kết công tác bảo vệ Hệ thống điện Quốc gia, quán triệt chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và triển khai các biện pháp

Kon Tum tích cực triển khai công tác bảo vệ an toàn lưới điện truyền tải

Kon Tum tích cực triển khai công tác bảo vệ an toàn lưới điện truyền tải

Ngày 22/11/2013, Tại Hội trường Công an Tỉnh, Ban chỉ đạo bảo vệ hệ thống điện Quốc gia tỉnh Kon Tum đã triển khai Hội nghị sơ kết công tác bảo vệ Hệ thống điện Quốc gia, quán triệt chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và triển khai các biện pháp tăng cường bảo vệ hành lang các công trình lưới điện cao áp.


Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Quang Thắng

Hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 06 nhà máy thủy điện có công suất lớn đang vận hành có tổng công suất 1540 MW và 01 nhà máy đang xây dựng là thủy điện Thượng Kon Tum có công suất 220 MW; Về hệ thống lưới điện hiện có: 246,372 km đường dây 500 kV; 130 km đường dây 110 kV; 1474,35 km đường dây trung áp, 04 trạm biến áp 110 kV với dung lượng 145MVA; 1243 trạm biến áp phụ tải với tổng dung lượng là 224.874 kVA và 02 trạm biến áp trung gian. Riêng Truyền tải điện Kon Tum - Gia Lai được Công ty Truyền tải điện 2 giao nhiệm vụ quản lý vận hành 145 km đường dây 500 kV mạch 1 đoạn từ vị trí cột 1972 (đỉnh đèo Lò Xo giáp ranh với tỉnh Quảng Nam ) đến vị trí cột 2307 (Trạm biến áp 500 kV Pleiku) ; 103 km đường dây 500 kV mạch 2 đoạn từ vị trí cột 01 (Trạm biến áp 500 kV Pleiku ) đến vị trí cột 236 (giáp ranh với tỉnh Quảng Ngãi ). Hiện nay, Truyền tải điện Kon Tum - Gia Lai đang triển khai đầu tư xây dựng và chuẩn bị nhân lực để quản lý vận hành đường dây 220 kV Pleiku - Kon Tum và trạm biến áp 220 kV Kon Tum. Hệ thống đường dây 500 kV của Truyền tải điện Kon Tum - Gia Lai quản lý chủ yếu đi qua địa hình, thời tiết phức tạp, núi cao, rừng rậm, suối sâu, xa khu dân cư, đường sá đi lại khó khăn. Đặc biệt có đoạn đường dây đi rất gần biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam – Cam Pu Chia.

Theo ông Hàn Trạch Quang - Giám đốc Truyền tải điện Kon Tum - Gia Lai: Mặc dù công tác bảo vệ đường dây phạm vi do đơn vị quản lý trong những năm gần đây đảm bảo an toàn, chưa có vụ việc nghiêm trọng nào xảy ra nhưng trong quá trình quản lý vận hành, đơn vị chúng tôi vẫn gặp một số vướng mắc chưa được giải quyết và rất cần sự giúp đỡ, phối hợp đồng bộ từ chính quyền các cấp, các sở ban ngành và các cơ quan liên quan. Trong đó vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp hay chủ các máy xúc, máy đào đưa phương tiện vào khai thác đất trong hành lang lưới điện xảy ra khá nhiều lần. Khi đơn vị quản lý vận hành đến làm việc, một số chủ khai thác đưa lý do đã được “chính quyền xã đã cho phép khai thác” nhưng không xuất trình được giấy phép khi yêu cầu. Một số chủ khai thác còn bỏ đi, không chịu hợp tác để xử lý sự việc. Điển hình, tháng 6 năm 2012, qua quá trình kiểm tra định kỳ đơn vị phát hiện gần vị trí 1973 đường dây 500 kV thuộc địa phận xã Đắk Man - ĐắkGlei một chủ máy xúc thuộc hạt quản lý đường bộ huyên ĐắkGlei - Công ty QL&XD đường bộ Kon Tum đang san gạt lấy đất trong hành lang; tháng 7 năm 2013, phát hiện tại khoảng cột 129 - 130 Đường dây 500 kV thuộc địa phận xã Tân Lập huyện Kon Rẫy, một chủ máy xúc đang khai thác lấy đất trong hành lang mở đường cho dự án cấp nước huyện Kon Rẫy. Việc đào, xúc đất trái phép trong và gần hành lang như trên có thể ra nguy cơ phóng điện khi vi phạm khoảng cách an toàn và có thể gây sạt lở đất chân móng, làm nghiêng đổ cột, gây sự cố do khai thác đất trong phạm vi gần các vị trí móng cột sẽ làm thay đổi kết cấu đất.

Qua tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, do đặc thù vùng miền đa phần bà con dân tộc ít người thường xuyên canh tác tự phát, nổi bật nhất là hiện tượng đốt nương rẫy, đốt xác thực vật sau khi canh tác dẫn đến cháy rừng, cháy lang vào hành lang tuyến đường dây gây sự cố đường dây. Mới đây, tháng 2 năm 2013 trên đường dây 500 kV mạch 2 đã xảy ra sự cố nguyên nhân do người dân đốt nương rẫy gần hành lang tuyến làm cháy lan vào trong hành lang tại vị trí khoảng cột 151 - 152 đường dây 500 kV Pleiku - Dốc Sỏi thuộc đị phận thị trấn Đắk Rve, huyện Kon Rẫy. bên cạnh đó còn có hiện tượng người dân làm việc gần đường dây sơ ý để vật dụng, dụng cụ vi phạm khoảng cách an toàn, bay vào đường dây gây mất an toàn; cụ thể: tháng 03/2013, tại vị trí cột 2196 đường dây 500 kV mạch 1 Đà Nẵng - Pleiku, khi người dân phơi nông sản gần hành lang tuyến, do việc che đậy nông sản không chắc chắn nên để gió lốc làm tấm bạt bay và vướng mắc vào đường dây, tuy không gây sự cố nhưng cũng làm mất an toàn vận hành cho đường dây. Không chỉ vậy, từ những năm trước đường dây 500 kV đã bị tháo trộm bộ phận, thiết bị công trình điện hoặc dùng ná cao su bắn vỡ các bát cách điện. Điển hình là vụ tháo lấy 30 bulông chân thang tại các vị trí 2177 và vị trí 2178 trên tuyến đường dây 500 kV mạch 1 Đà Nẵng - Plei Ku đi qua Tổ 11, xã Đăk Hrinh, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum; tình trạng mất mát một số thanh giằng, biển báo nguy hiểm, biển báo số cột, dây tiếp địa; ngày 08/7/2008, đơn phát hiện hiện tượng vỡ sứ hàng loạt trên đường dây 500 kV tại các vị trí cột nằm trên địa điểm thôn Phường Quý 1, xã Vinh Quang, TP Kon Tum (vị trí 2229 vỡ 02 bát, vị trí 2231 vỡ 06 bát, vị trí 2234 vỡ 01 bát). Ngay sau khi kiểm tra phát hiện các vụ việc trên, Truyền tải điện Kon Tum - Gia Lai đã báo cáo với chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan thẩm quyền địa phương, đồng thời phối hợp các Phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Kon Tum, Thành đội Kon Tum kiểm tra và đã xác định nguyên nhân gây ra các hiện tương trên xử lý.

Báo cáo tại hội nghị, ông Hàn Trạch Quang cho biết thêm: Nhằm giảm thiểu những hành vi vi phạm hành lang lưới điện, hàng năm đơn vị đã tổ chức ký kết các phương án phối hợp nhằm bảo vệ an toàn lưới điện cao áp phạm vi do đơn vị quản lý được thực hiện ngay từ đầu năm giữa đơn vị với các cơ quan chức năng như: Phòng An ninh Kinh tế (PA81) Công an tỉnh Kon Tum và Gia Lai; Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum, Công an huyện ChưPah... tổ chức kiểm tra, nắm bắt, đôn đốc lực lượng bảo vệ trực tiếp hoàn thành nhiệm vụ; đặc biệt trước, trong các dịp Lễ lớn và các ngày diễn ra các sự kiện trọng đại của đất nước. Khi có các vụ việc vi phạm các bên đã kịp thời thông báo cho nhau đến hiện trường kiểm tra cùng phối hợp để giải quyết.

Trong thời gian qua đơn vị đã chủ động tuyên truyền công tác bảo vệ đường dây và đề phòng tai nạn điện trong nhân dân tại các địa phương nơi có đường dây đi qua. Trong năm 2013 đã phát hơn 1.200 tờ rơi tuyên truyền công tác bảo vệ đường dây đến người dân sinh sống gần đường dây tại 37 xã, thị trấn. Ký 550 Bản cam kết bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp với các tổ chức, chủ rừng, cá nhân có nương rẫy gần tuyến đường dây tải điện 500 kV có chính quyền địa phương xác nhận. Phối hợp Đài Phát thanh - Truyền hình Kon Tum làm các phóng sự về công tác tuyên truyền bảo vệ đường dây 500 kV phát sóng và phát thanh trên truyền hình địa phương, mỗi lần phát sóng thời lượng khoảng 10 phút. Viết bài, đưa tin nhiều lần về công tác bảo vệ đường dây trên báo Kon Tum và các báo, tạp chí khác. Tổ chức kết nghĩa phối hợp với Đoàn Thanh niên địa phương và cùng Đoàn thanh niên Công ty, phát quà, hỗ trợ các công cụ sản xuất tại một số làng, xã nơi có đường dây đi qua tại các huyện Kon Plong, Kon Rẫy, TP Kon Tum, ĐăkHà, ĐăkTô, Ngọc Hồi, ĐăkGlei…. Mặt khác đơn vị đã lắp đặt nhiều biển báo cảnh báo nguy hiểm tại các điểm có nguy cơ mất an toàn để cảnh báo và chỉ dẫn cho người, phương tiện khi đến gần. Đơn vị đã thường xuyên giáo dục CBCNV nâng cao ý thức cảnh giác, sẵn sàng chống lại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch và các loại tội phạm khác. Hàng năm đều đăng ký thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc với chính quyền địa phương nơi đơn vị đóng quân.

Để đề phòng, hạn chế sự cố gây mất điện trên đường dây truyền tải điện, tại hội nghị này Truyền tải điện Kon Tum - Gia Lai đã đề xuất một số kiến nghị: Cần kiện toàn nhân sự, quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Bảo vệ an toàn hệ thống điện Quốc gia tỉnh Kon Tum phù hợp với tình hình thực tế; vì các quyết định năm 2007 đến nay có một số chức danh, tên gọi không còn phù hợp. Kịp thời ban hành chỉ thị nhằm tăng cường các biện pháp cụ thể, hữu hiệu bảo vệ công trình lưới điện quốc gia trên toàn tỉnh phù hợp với điều kiện hiện nay. Chỉ đạo chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng phối hợp với đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Nghị định 106/2005/ NĐ - CP của chính phủ về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật điện lực và bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp; Nghị định 81/2009/NĐ - CP ngày 12/10/2009 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 106/2005/NĐ - CP; thông tư hướng dẫn số 10/TT-BCA ngày 26/8/2002 của Bộ Công an đến người dân để toàn dân tham gia bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp; đảm bảo an toàn và tránh các trường hợp tai nạn và sự cố đáng tiết xảy ra. Khi có vụ việc vi phạm xảy ra, Ban chỉ đạo Bảo vệ an toàn hệ thống điện Quốc gia tỉnh Kon Tum chỉ đạo các ban ngành chức năng xử lý dứt điểm và có biện pháp răn đe, xử phạt, tuyên truyền để tránh tái diễn.

Bên cạnh đó để thực hiện quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Công ty Truyền tải điện 2 giao nhiệm vụ cho Truyền tải điện KonTum - Gia Lai triển khai đầu tư xây dựng và chuẩn bị nhân lực để quản lý 35,8 km đường dây 220 kV Plei Ku - Kon Tum và trạm biến áp 220 kV Kon Tum. Công trình này là điểm thu hút các nguồn công suất đổ về từ phía 110 kV và truyền tải lên lưới điện Quốc gia qua đường dây 220 kV Plei Ku -Kon Tum góp phần cung cấp ổn định cho tỉnh Kon Tum và các khu vực. Do vậy công tác chuẩn bị bảo vệ cho đường dây này cần được Chính quyền địa phương quan tâm đến công tác bảo vệ trong quá trình thi công cũng như vận hành sau này.


 Đại tá Nguyễn Bá Dũng - PGĐ Công an tỉnh Kon Tum thừa ủy quyền của Ban chỉ đạo bảo vệ hệ thống điện Quốc gia tỉnh Kon Tum

phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: Quang Thắng

Thay mặt Ban chỉ đạo hệ thống điện quốc gia tỉnh Kon Tum, Đại tá Nguyễn Bá Dũng - Phó Giám đốc Công an tỉnh đã có ý kiến phát biểu chỉ đạo tại Hội Nghị. Trong thời gian đến, Công an Tỉnh, Sở Công Thương, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cần tham mưu cho UBND tỉnh Konh Tum để kiện toàn Ban chỉ đạo, Tổ giúp giúp việc cho Ban chỉ đạo; triển khai xây dựng Quy chế phối hợp giữa các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo; xây dựng quy chế bảo vệ hệ thống điện. Định kỳ tổ chức họp giao ban để nắm tình hình và chỉ đạo, xử lý những tồn tại, thiếu sót trong công tác bảo vệ hệ thống điện quốc gia trên địa bàn tỉnh. Các Địa phương và Cơ quan chức năng tập trung nâng cao vai trò chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương và nhân dân thực hiện tốt các quy định của Nhà nước, các cấp, các ngành về công tác bảo vệ hệ thống điện. Phối hợp với các đơn vị ngành Điện tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng nhằm hạn chế các vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh; kiên quyết không duyệt cấp phép hoặc tham mưu cấp phép xây dựng nhà ở, công trình trong hành lang an toàn lưới điện cao áp. Trong thời gian đến Truyền tải điện Kon Tum - Gia Lai, Điện lực Kon Tum, Chi nhánh Điện Cao thế và các nhà máy điện tăng cường kiểm tra, phát hiện các trường hợp vi phạm đến an toàn công trình lưới điện cao áp; báo cáo kịp thời đến các cơ quan có thẩm quyền để xử lý ngăn chặn các vụ việc vi phạm; đồng thời thường xuyên kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng theo định kỳ đối với công trình lưới điện cao áp để đảm bảo lưới điện vận hành liên tục an toàn, cung cấp điện phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo ổn định kinh tế - xã hội và an ninh - chính trị trên tỉnh nói chung và khu vực Miền Trung - Tây Nguyên nói chung.

;
Từ khóa: Tin tức khác

Bài liên quan