Thứ ba, 27/08/2013 | 14:24

Làm sao để ổn định giá điện?

Câu chuyện về giá điện chỉ là bề nổi của tảng băng. Đã đến lúc cần nhìn bản chất của ngành điện, tầm quan trọng của ngành điện trong nền kinh tế, an ninh năng lượng quốc gia. Làm thế nào để tiết giảm lãng phí điện, ngành điện ổn định sản xuất, kinh doanh

Làm sao để ổn định giá điện?

Làm sao để ổn định giá điện?

     Câu chuyện về giá điện chỉ là bề nổi của tảng băng. Đã đến lúc cần nhìn bản chất của ngành điện, tầm quan trọng của ngành điện trong nền kinh tế, an ninh năng lượng quốc gia. Làm thế nào để tiết giảm lãng phí điện, ngành điện ổn định sản xuất, kinh doanh tất yếu sẽ ổn định giá điện. 

Ngành kinh doanh đặc biệt

     Gần đây một số ý kiến cho rằng, tăng giá điện có thể gây sốc, tăng lạm phát, khủng hoảng kinh tế... Nhìn nhận như vậy là chưa chính xác và đúng đắn về bản chất các vấn đề ngành điện của nước ta. Đầu tiên cần phải nhìn rõ bản chất của ngành điện là một ngành đặc biệt do Nhà nước trực tiếp quản lý. Ngành điện vừa sản xuất vừa trực tiếp điều phối kinh doanh duy nhất một loại sản phẩm đặc thù không thể dự trữ hay tùy nghi tăng giảm giá theo biến động của thị trường. Hiểu được bản chất của ngành điện, sự tăng giá điện là yêu cầu bức thiết ảnh hưởng đến an ninh quốc gia nên chính phủ bắt buộc phải điều chỉnh nhằm ổn định sản xuất, phân phối điện năng đến các doanh nghiệp, các hộ dân cả nước chứ không phải tăng giảm theo thị trường, theo mùa, theo ngày tháng.

    

 Sản xuất thép là ngành có mức tiêu hao điện lớn nhất hiện nay

     Hiện nay giá điện vẫn chưa chính xác, trong khi giá điện các nước khác lên xuống tính theo giờ, ngày, tháng. Từ trước đến nay, toàn dân chúng ta “được hưởng” điện với giá thấp hơn nhiều so với thế giới (7/9 cent/kWh) và coi đó là chuyện đương nhiên. Trong thực tế cả chục năm qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên tục lỗ, dù được hai ngành than, khí trợ giá 10-20%. Hiện nay giá điện phân cấp ra 7 mức và hai đối tượng đáng chú ý nhất là người nghèo và nông dân. Người nghèo chỉ tăng thêm 1.000 đồng, đối tượng 2 tăng lên 6.000 đồng… đến đối tượng thứ 7 tăng 34.000 đồng/tháng. Đây không phải là số tiền lớn ảnh hưởng quá lớn đến kinh tế gia đình.

     Theo các chuyên gia, tăng giá điện như thế nào cho hợp lý, vào thời điểm nào thì vẫn cần phải tính toán. Để giải quyết các vấn đề bất cập của ngành điện về vốn, đầu tư, hoạt động sản xuất của ngành điện cần nhìn nhận vĩ mô, “ra tấm ra món” chứ không làm kiểu nhỏ lẻ, vụn vặt dễ dẫn đến ức chế cho dân. Năm nay giá than tăng từ 45% lên 85%, khoảng 1.000 tỉ, giá khí cũng tăng khoảng 5.000 tỉ. Than, khí là hai nguyên liệu chính để chạy gần 60% nhà máy điện trên cả nước nên ngành điện sẽ lỗ khoảng 6.000 tỉ. Tăng 5% giá điện chỉ thu về được khoảng 3.500 tỉ, vậy cuối năm nay EVN vẫn có thể sẽ lỗ 2.500 tỉ, cộng thêm 30.000 tỉ lỗ cũ trong những năm qua của EVN chưa hạch toán được vào đâu. Vậy tăng giá như thế nào, lộ trình ra sao cần phải tính toán thật rõ ràng minh bạch rồi thông báo rộng rãi để nhân dân thông cảm, xã hội bù đắp cho ngành điện.

Bên cạnh đó, EVN cần đề xuất với Chính phủ việc phân cấp tính giá căn cứ thu nhập của các đối tượng sử dụng điện. Các đối tượng trong xã hội hiện nay, người thu nhập cao chiếm số lượng không nhỏ, ngoài ra còn đối tượng quan chức, công nhân viên chức rất phổ biến trong các thành thị lớn. Cuối cùng là đối tượng thu nhập thấp chiếm đa phần như nông dân, người nghèo. Cần phải phân chia ra, tính toán kỹ lưỡng hoặc đặt ra các mức phụ phí chứ không phải “đổ đồng” như từ xưa đến nay.

     Cần đưa ra các quyết sách chính xác xây dựng và phát triển ngành điện bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước.

Giảm tiêu hao năng lượng

     Tỷ lệ giá điện cấu thành sản phẩm các nước công nghiệp phát triển không nhiều, chỉ 2-5% nhưng nước ta có những doanh nghiệp lại lên đến 20-25%. Nguyên nhân sử dụng điện lớn do các doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ cũ kỹ, thiết bị lạc hậu nên tiêu hao điện lớn, không chịu đầu tư thiết bị tiết kiệm điện nên phải trả tiền điện cao.

     Khi hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp bắt buộc phải hạch toán tiền điện đưa vào giá thành sản phẩm. Để sử dụng điện hiệu quả phải thực hiện đúng quy trình vận hành chứ không phải cứ bật toàn bộ máy móc, động cơ, đèn… lên cùng lúc khi bắt đầu làm việc. Đây là sự lãng phí điện một cách rõ ràng. Các doanh nghiệp lãng phí điện không đem lại lợi ích, làm ăn thua lỗ, sản phẩm tồn kho là một gánh nặng cho nền kinh tế, làm thụt lùi nền kinh tế. Nếu không thay đổi, cần mạnh mẽ loại bỏ những doanh nghiệp kiểu này.

     Muốn sử dụng điện hiệu quả cần cải tổ, tổ chức lại toàn bộ ngành công nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp tiêu tốn điện nhiều nhất hiện nay như sản xuất thép, xi măng cần phải xử lý triệt để. Đơn cử như các nhà máy xi măng, có ưu thế, điều kiện rất thuận lợi là đốt lò nên nhiệt lượng lớn có thể chạy được turbine cho máy phát 3-5MW. Thực tế không một đơn vị nào đầu tư, thực hiện lắp lò thu hồi nhiệt để chạy máy phát. Trong khi trên thế giới đã thực hiện phương pháp tiết kiệm điện này cả chục năm nay. Những cuộc hội thảo, tư vấn về tiết kiệm điện, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành của các bộ, ban, ngành tổ chức năm nào cũng đưa ra các phương án, áp dụng khoa học kỹ thuật nhưng thực tế các đơn vị áp dụng đầu tư chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đây chính là sự quan liêu, lãng phí không thể chấp nhận được.

     Hiện nay, tỷ lệ tiêu hao năng lượng rất phi lý, phí phạm nên cần đề ra các biện pháp mạnh. Sự hao phí này thể hiện ở chỉ số đàn hồi của Việt Nam (tỷ lệ tăng trưởng điện năng/tăng trưởng GDP) là hơn 2,5. Tỷ lệ này của Việt Nam cao gần gấp 3 lần so với các nước công nghiệp phát triển trên thế giới (chỉ số gần bằng 1). Đầu năm 2013, Chính phủ đã có chủ trương yêu cầu các doanh nghiệp có mức sử dụng năng lượng, điện lớn bắt buộc phải thực hiện “kiểm toán năng lượng”. Bản chất của “kiểm toán năng lượng” là kiểm tra mức độ tiêu hao điện của các doanh nghiệp để kiểm soát các những tiêu hao năng lượng vô lý, triệt để tiết kiệm năng lượng. Cần phải đả phá mạnh mẽ tư tưởng “cha chung không ai khóc”, lập ra các quy trình tiết kiệm điện và kiểm soát mạnh khi thực hiện các quy trình đó mới có thể sử dụng hiệu quả điện năng.

     Như vậy, cần nhìn nhận chủ trương của Chính phủ việc tiết giảm 10% lượng điện của ngành công nghiệp là mức tối thiểu. Nếu các bộ, ban ngành, nhất là các đơn vị ngành công nghiệp sát sao, mạnh dạn đầu tư thì có thể giảm nhiều hơn 30-40% điện năng, giải quyết được bài toán năng lượng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

;
Từ khóa: Tin tức khác

Bài liên quan