Cân đối giữa khả năng nguồn và nhu cầu phụ tải năm 2014 cho thấy, hệ thống điện có khả năng cung cấp đủ điện cho toàn hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, do một loạt các công trình nguồn điện ở miền Nam bị chậm tiến độ nên các tỉnh miền Nam vẫn đứng trước nguy cơ thiếu điện.
Chuẩn bị tốt hệ thống lưới để truyền tải điện từ Bắc vào Nam
Để bảo đảm an toàn cho hệ thống truyền tải điện cũng như cấp điện an toàn, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) vừa hoàn thành xong 6 phương án tính toán cân bằng cung cầu điện cho năm 2014 để trình Bộ Công Thương.
Phương án 1: điện thương phẩm tăng 10%, tần suất nước về 65%; Phương án 2: điện thương phẩm tăng 10%, tần suất nước về 75%; Phương án 3: điện thương phẩm tăng 11,5%, tần suất nước về 65%; Phương án 4: điện thương phẩm tăng 11,5%, tần suất nước về 75%; Phương án 5: điện thương phẩm tăng 11,5%, tần suất nước về 75%, ĐD 500 kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông có thể vận hành từ tháng 5/2014; Phương án 6: điện thương phẩm tăng 10%, lưu lượng nước về năm 2014 dự báo bằng 50% theo lưu lượng thiết kế + 50% theo 5 năm vận hành gần nhất.
Theo A0, cả 6 phương án tính toán cân bằng cung cầu điện năm 2014 đều được đảm bảo, hệ thống sẽ không phải tiết giảm phụ tải. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là phải truyền tải điện lớn từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam.
Để bảo đảm tốt nhất cung cấp điện cho miền Nam, EVN đã chỉ đạo các đơn vị đưa nhiều các công trình mới quan trọng ở khu vực miền Nam vào vận hành nhằm hỗ trợ, thay thế khi cắt đoạn đường dây 500kV mạch 1, mạch 2 như đưa vào vận hành đường dây 500kV Tân Định - Song Mây, trạm 500kV Song Mây, đường dây 500kV Phú Mỹ- Song Mây.
Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia và các đơn vị tập trung triển khai các giải pháp: tích nước tối đa có thể các hồ thủy điện, đặc biệt là các hồ thủy điện miền Nam để cung cấp tốt nhất cho mùa khô 2014; hoàn thiện ngay trong năm 2013 việc thay các trạm biến áp trên đường dây 500kV để tăng khả truyền tải vào miền Nam. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất để truyền tải điện từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam là đẩy nhanh tiến độ để đưa đường dây 500kV PleiKu- Mỹ Phước- Cầu Bông vào vận hành cuối tháng 4/2014, đồng thời tiến tới liên kết lưới điện ba nước Việt Nam- Lào- Campuchia vào năm 2015. Tuy nhiên, đường dây 500 kV luôn truyền tải ở mức cao trong cả năm. Số giờ vận hành ở mức công suất trên 70% của các đường dây trên giao diện Trung- Nam trong các tháng mùa khô phổ biến ở mức 50-75% tổng thời gian trong ngày.
EVN cũng chuẩn bị giải pháp sẽ phải huy động tối đa các tổ máy tuabin khí ở miền Nam trong mùa khô đối với tất cả 6 phương án để đáp ứng nhu cầu phụ tải của miền Nam. Trong trường hợp đường dây 500 kV Pleiku- Mỹ Phước- Cầu Bông có thể vào vận hành sớm từ đầu tháng 5/2014 sẽ không phải huy động các nguồn nhiệt điện dầu. Trường hợp xấu nhất thì chỉ huy động khoảng 624 triệu kWh nhiệt điện dầu cả năm.