Thứ ba, 22/10/2013 | 15:33

Nhà đầu tư ngoại: Tìm cơ hội tại các dự án điện Việt Nam

Theo Quy hoạch điện VII, từ nay đến năm 2020, mỗi năm ngành điện phải đầu tư khoảng 5 tỷ USD để đưa vào vận hành 5.000 MW mới, xây dựng nhiều công trình trạm, đường dây, giai đoạn 2020 - 2030 cần tới 7,5 tỷ USD/năm.

Nhà đầu tư ngoại:  Tìm cơ hội tại các dự án điện Việt Nam

Nhà đầu tư ngoại: Tìm cơ hội tại các dự án điện Việt Nam

Theo Quy hoạch điện VII, từ nay đến năm 2020, mỗi năm ngành điện phải đầu tư khoảng 5 tỷ USD để đưa vào vận hành 5.000 MW mới, xây dựng nhiều công trình trạm, đường dây, giai đoạn 2020 - 2030 cần tới 7,5 tỷ USD/năm.


 Nếu chỉ trông chờ vào vốn ngân sách nhà nước thì rất khó đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, Chính phủ chủ trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào phát triển các dự án nguồn điện, trong đó đặc biệt quan tâm nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Nhiều doanh nghiệp FDI quan tâm đến ngành điện

Là một trong những tập đoàn nước ngoài đã có nhiều dự án đầu tư ở Việt Nam, hiện Samsung đang có kế hoạch khảo sát 5 dự án nhà máy điện là Quỳnh Lập 2 (Nghệ An), Vũng Áng 3 (Hà Tĩnh), Quảng Trạch 2 (Quảng Bình), Sông Hậu 3 (Hậu Giang), Kiên Lương (Kiên Giang) nhằm chọn ra một dự án phù hợp để đầu tư. Trước đó, ngày 1/8/2013 Chính phủ đã có văn bản số 6398/VPCP-QHQT giao Bộ Công Thương nghiên cứu lựa chọn một dự án điện để hợp tác với Tập đoàn Samsung.

Tập đoàn công nghiệp Enercon (Đức) - chuyên về sản xuất thiết bị điện gió cũng cam kết huy động khoảng 1 tỷ euro và cung cấp thiết bị đầu tư cho dự án điện gió Sóc Trăng công suất dự kiến 2.600MW. Tại TP. Hồ Chí Minh, Tập đoàn Howden Group đã chính thức mở văn phòng đại diện và đã ký kết cung cấp cho các dự án điện ở Việt Nam hơn 1,5 tỷ USD với các thiết bị gồm hệ thống quạt gió, quạt khói, gia nhiệt và hóa nhiệt… cho một số dự án điện như Mông Dương 2, Vũng Áng 1, Nghi Sơn 1, Vĩnh Tân 1 và Thái Bình 2.

Tháng 9 vừa qua, Công ty Sembcorp (Singapore) và Bộ Công Thương đã ký biên bản ghi nhớ phát triển dự án Nhiệt điện Dung Quất công suất 1.200 MW (Quảng Ngãi) với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Dự án sẽ sử dụng than nhập khẩu, dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2021, cung cấp khoảng 7 tỷ kWh điện/năm. Tập đoàn Tata (Ấn Độ) cũng đang quan tâm đến  dự án nhiệt điện Long Phú 2 (Sóc Trăng) công suất 1.200 MW. Dự án nhiệt điện Mông Dương 2 của AES (Mỹ), Posco Energy (Hàn Quốc) và CIC (Trung Quốc) cũng đang tích cực được triển khai.

Hiện dự án nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 (Khánh Hòa) công suất 2.640 MW, tổng vốn đầu tư 3,8 tỷ USD cũng đang được tổ hợp nhà đầu tư Sumitomo (Nhật Bản) và Công ty cổ phần Đầu tư công nghiệp – xây dựng Hà Nội (Hanoinco) gấp rút triển khai đàm phán hợp đồng với Bộ Công Thương, dự kiến sẽ ký hợp đồng BOT vào quý 1/2014; khởi công tháng 8/2015 và cuối năm 2019 sẽ đưa nhà máy vào hoạt động.

Được biết, đến thời điểm này Nhật Bản đã tài trợ vốn cho 13 dự án điện tại Việt Nam với tổng số vốn vay trên 5 tỷ USD. Tổng công suất các dự án nguồn điện do Nhật Bản tài trợ cũng chiếm tới 18% công suất nguồn điện do EVN vận hành và xấp xỉ 10% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống điện Việt Nam. Riêng năm 2013, tổng các khoản vay ODA và vay ưu đãi của Nhật Bản dành cho EVN dự kiến sẽ đạt khoảng 1-1,5 tỷ USD.

Theo các nhà đầu tư, Chính phủ nên có những sự bảo lãnh liên quan đến sự rủi ro do thay đổi cơ chế, thay đổi giá trị ngoại tệ, đồng thời làm tốt hơn việc giải phóng mặt bằng cho các dự án năng lượng.

Vẫn vướng cơ chế

Rõ ràng, tiềm năng cho nhà đầu tư nước ngoài về ngành điện đã có nhiều khởi sắc. Điều đó cho thấy việc kiên trì với mục tiêu giá điện theo thị trường đã bắt đầu hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài và xem đây là giải pháp có thể giải quyết được tận gốc bài toán thiếu điện.

Tuy nhiên, ông Daito Michio - Tham tán phụ trách lĩnh vực năng lượng (Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam) - cho rằng, mặc dù Việt Nam đã cải thiện đáng kể chính sách thu hút đầu tư nhưng cơ chế về giá thì vẫn chưa đủ hấp dẫn. Đơn cử, Chính phủ đã trợ giá nhưng hiện giá trần mua điện gió ở Việt Nam chỉ đạt 0,078 USD/kWh, khá thấp so với 0,15 USD/kWh của khu vực. Theo ông Daito Michio, giá điện càng rẻ càng có lợi cho người sử dụng nhưng nếu về lâu dài, giá điện rẻ không đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, vấn đề đầu ra của các nhà máy điện vẫn đang là mối băn khoăn lớn của các nhà đầu tư. Hơn nữa, EVN vẫn chiếm tới 60% nguồn cung cả nước nên thị trường cạnh tranh về điện hiện nay vẫn chưa rõ ràng. Dự án nhiệt điện BOT Hải Dương động thổ từ tháng 9/2011 nhưng vẫn đang nằm trên giấy vì chưa giải quyết được các vấn đề liên quan đến thỏa thuận đầu tư giữa các đối tác. Thực tế cho thấy, không ít dự án FDI vào ngành điện đang gặp khó khăn trong triển khai bởi một số chính sách chưa phù hợp đã cản trở tiến độ do chậm đền bù giải phóng mặt bằng. Bản thân dự án BOT Nhiệt điện Vân Phong 1 cũng đã được Sumitomo và Hanoinco đề xuất từ năm 2006 nhưng đến nay vẫn chưa ký được hợp đồng BOT. Các vướng mắc thường gặp trong quá trình chuẩn bị dự án, đó là đàm phán hợp đồng BOT (nhất là các vấn đề liên quan đến chuyển đổi ngoại tệ), hợp đồng mua bán điện, hợp đồng thuê đất, việc thu xếp vốn với các bên cho vay… Đặc biệt, việc thiếu các quy định về quản lý tiến độ thực hiện các dự án cũng đang khiến các nhà đầu tư băn khoăn. Tại buổi họp kiểm điểm tiến độ triển khai các dự án nhiệt điện BOT do Bộ Công Thương tổ chức cuối năm 2012, hầu hết các nhà đầu tư đều kiến nghị được miễn thuế nhập khẩu vật tư, thiết bị; đề nghị Chính phủ có quy định thống nhất về việc chịu trách nhiệm cơ sở hạ tầng dùng chung.





;
Từ khóa: Tin tức khác

Bài liên quan