Những ngày này, công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Vũng Áng 1 gần như hòa cùng một nhịp đập để chuẩn bị đốt lò bằng than lần đầu cho lò hơi Tổ máy 1 và dự kiến dòng điện đầu tiên của NMNĐ Vũng Áng 1 hòa lưới điện quốc gia vào nửa cuối tháng 12/2013.
NMNĐ Vũng Áng 1 công suất 1.200MW, sau thời gian thi công đến nay đã cơ bản hoàn thành khối lượng công việc của toàn bộ dự án như: thiết kế; mua sắm, vận chuyển thiết bị; xây dựng và lắp đặt.
Để kịp tiến độ đốt lò bằng than vào cuối tháng 12 và phát điện thương mại vào tháng 6/2014, cán bộ, công nhân Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) - đơn vị tổng thầu đang khẩn trương hoàn thiện các công việc bảo ôn vách lò, bảo ôn đường gió nóng cấp 1 cho máy nghiền, làm sạch đường hơi chính và ống nước làm mát tuần hoàn kín, đường khí nén; thông thổi cao áp các đường ống hơi chính. Trước đó, tổng thầu Lilama đã tiến hành thông thổi lò hơi số 1 và đóng điện ngược thành công máy biến áp chính. Lilama cũng đã chạy thành công bơm nước cấp, bơm nước ngưng và các hệ thống phụ, các thông số kỹ thuật đều đảm bảo.
Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đã chạy thử nghiệm bằng dầu thành công
Các công việc liên quan đến quá trình vận hành thử nghiệm và hiệu chỉnh thiết bị luôn được ban quản lý, nhà thầu Lilama, các nhà thầu phụ nghiêm túc thực hiện, đặc biệt công tác đốt lửa lò hơi và hiệu chỉnh lần đầu vòi đốt FO của Tổ máy số 1 được tuân thủ nghiêm ngặt theo đúng quy trình đã được chấp thuận. Công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình trên công trường luôn được thực hiện thường xuyên, bảo đảm an toàn cho người và thiết bị trong giai đoạn vận hành thử nghiệm.
Các hạng mục như cảng than đã lắp đặt đệm va, xích neo, thả phao tiêu báo hiệu luồng hàng hải… Cửa nhận nước làm mát cũng đã hoàn thành xếp đá, hệ thống ống nước thu hồi, bể nước thu hồi đã cơ bản hoàn thành. Vừa qua, chuyến tàu chở than đầu tiên với tải trọng 5.300 tấn phục vụ việc chạy thử, hòa đồng bộ dự án Nhà máy đã cập cảng an toàn. Khu cảng than của NMNĐ Vũng Áng 1 có 2 máy bốc dỡ tự động kiểu trục vít và 2 băng tải than (một làm việc, một dự phòng) có thể vận hành bốc dỡ hàng đồng thời 2 tàu chở than cùng một thời điểm. Kho than có thể chứa được khoảng 450 nghìn tấn, đảm bảo dự trữ khối lượng than được 30 ngày cho nhà máy vận hành. Cầu cảng được thiết kế song song với dòng chảy và cảng biển mở nên việc tàu cập cầu và rời cầu không phụ thuộc vào thủy triều lên và xuống.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn mà Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1 đã kiến nghị với Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh như: sớm ban hành đơn giá nước, trong đó ưu tiên tính toán đơn giá hợp lý cho giai đoạn chạy thử, nghiệm thu nhà máy. Ngoài ra, Ban Quản lý kiến nghị tỉnh chỉ đạo Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn xây tuyến ống độc lập từ hồ Tàu Voi về nhà máy nước, có phương án thu gom nước từ các hồ khác để đảm bảo cấp nước cho nhà máy vào mùa khô 2014.
Vừa qua, Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức lễ ký kết hợp đồng tín dụng, tài trợ 5.500 tỉ đồng cho Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1. Sau một thời gian làm việc với tinh thần khẩn trương và sự nỗ lực cao của các bên, Vietinbank và PVN đã nhất trí ký hợp đồng tín dụng với mục đích sẽ góp phần thúc đẩy nhanh quá trình triển khai các hạng mục trong Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1, góp phần mở ra nhiều cơ hội hợp tác mạnh mẽ, bền vững hơn, củng cố an ninh năng lượng quốc gia.
Anh Phan Thế Hưng, Phó trưởng phòng Công nghệ, Ban Quản lý NMNĐ Vũng Áng 1 cho biết: Đây là nhà máy nhiệt điện chạy than đầu tiên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nên sẽ có nhiều bài học được rút ra trong quá trình vận hành. Trước hết, về những điều kiện tự nhiên ảnh hưởng đến nhà máy. Do nằm trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của mưa bão nên Ban Quản lý dự án rất chú trọng việc phòng và chống bão.
Về con người, tổng thầu Lilama cũng có nhiều khó khăn khi vận hành chạy thử một nhà máy điện cỡ lớn. Chính vì vậy, Ban Quản lý dự án đã huy động toàn bộ lực lượng cộng với tư vấn của chủ đầu tư, tư vấn tổng thầu, kíp trưởng của nhà thầu phụ thành lập một sơ đồ tổ chức quy trình chạy thử, tiến tới quy trình tổng thể. Sau đó, nhóm này sẽ triển khai trên thực tế công việc. Đúng 8 giờ sáng hằng ngày sẽ báo cáo công việc cho nhau biết và dự định những việc sẽ xử lý trong ngày đó. Công việc được chi tiết đến từng phút. Anh Phan Thế Hưng mở máy tính, cho chúng tôi xem bản kế hoạch từng ngày mà nhiều khi các công nhân phải làm cả đêm để kịp tiến độ, hạn chế tối đa tồn việc hôm trước cho ngày hôm sau.
Các hạng mục đã hoàn thành, những bài học đã được rút ra, tất cả chỉ chờ ngày đốt lửa lần đầu bằng than và dòng điện thương mại sẽ chính thức đưa lên lưới điện quốc gia.
Theo các kỹ sư công nghệ thì quy trình sản xuất điện than ở NMNĐ Vũng Áng 1 diễn ra như sau: Trước tiên, than loại cám 5, 5A được nhập về từ Hòn Gai, Cẩm Phả, Vàng Danh (Quảng Ninh) bằng loại tàu chuyên dụng 30.000 tấn. Sau khi cập cảng, than sẽ được chuyển lên băng tải dài 1.300m đưa vào 2 kho than. Than từ các kho than được đưa lên boong-ke than, qua hệ thống nghiền bằng bi để nghiền nhỏ và sấy than ở nhiệt độ 1300C. Tiếp theo, than được phun vào các buồng đốt. Phần xỉ sẽ lọt xuống các thuyền xỉ ở phía dưới. Trong buồng đốt có dàn ống sinh hơi. Nước từ bao hơi được đưa xuống các giàn ống này và quá trình nhận nhiệt diễn ra. Hơi nước bốc lên trở lại bao hơi thành hơi bão hòa. Hơi bão hòa lúc này có nhiệt độ khoảng 3500C sẽ đi vào các hệ thống quá nhiệt để đưa lên nhiệt độ 5410C sau đó hơi nước này được đưa vào các turbine để quay turbine. Máy phát điện được nối đồng trục với turbine và phát ra điện. Điện ở đầu cực máy phát là 26kV, sau đó qua máy biến áp nâng điện áp lên 220kV và hòa vào lưới điện quốc gia. Điện từ Tổ máy 1 đi Hà Tĩnh mạch 1, mạch 2. Điện từ Tổ máy 2 sẽ được đưa lên đường dây 500kV quốc gia.
Được biết, công nghệ của nhà máy là tổng hòa của những hãng sản xuất hàng đầu trên thế giới: Turbine máy phát điện của hãng Toshiba (Nhật); bình ngưng (Tây Ban Nha); lò hơi sản xuất tại Trung Quốc, công nghệ Mỹ; hệ thống điều khiển là của Nhật. Công nghệ hàng đầu được vận hành, lắp đặt bởi những kỹ sư giỏi Việt Nam đã chứng minh một điều: Cán bộ, kỹ sư người Việt đã làm chủ được công nghệ phức tạp của nhà máy điện than. Đây không chỉ là dự án điện than lớn nhất Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mà còn lớn nhất cả nước theo tiêu chuẩn mới. Tất cả đang chờ ngày lò hơi nhận than, đốt lửa.
Dự án NMNĐ Vũng Áng 1 được Chính phủ phê duyệt nằm trong Tổng sơ đồ điện VI. Dự án do PVN làm chủ đầu tư có công suất 1.200MW gồm 2 tổ máy, sử dụng công nghệ đốt than phun trực tiếp với các thiết bị chính thuộc của các nước G7. Nguồn nhiên liệu cung cấp cho nhà máy là than nội địa (than cám 5), với lượng tiêu thụ 2,9 triệu tấn/năm. Dự án có tổng mức đầu tư gần 1,25 tỉ USD, đây là nhà máy nhiệt điện chạy than lớn nhất ở khu vực miền Trung. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ đóng góp cho lưới điện quốc gia 7,2 tỉ kWh/năm.
NMNĐ Vũng Áng 1 là dự án nhiệt điện than đầu tiên của PVN sắp được hoàn thành, 4 dự án khác đang xây dựng là Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1, Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1.