Thứ năm, 25/07/2013 | 15:51

Nhiệt điện Long Phú 2 sẽ chạy bằng than nhập khẩu

Công ty Tata Power (công ty con của Tập đoàn Tata, Ấn Độ) dự kiến sẽ sử dụng nguồn than nhập khẩu từ Indonesia hoặc Úc để vận hành nhà máy nhiệt điện Long Phú 2.

Nhiệt điện Long Phú 2 sẽ chạy bằng than nhập khẩu

Nhiệt điện Long Phú 2 sẽ chạy bằng than nhập khẩu

Công ty Tata Power (công ty con của Tập đoàn Tata, Ấn Độ) dự kiến sẽ sử dụng nguồn than nhập khẩu từ Indonesia hoặc Úc để vận hành nhà máy nhiệt điện Long Phú 2.


 Thông tin này được Công ty Tata Power thông báo với Cục Hàng hải Việt Nam trong buổi làm việc chiều 23-7.

Ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết phía Tata Power thông báo, vào tháng 5-2013, Chính phủ đã chấp thuận cho phép công ty này đầu tư nhà máy nhiệt điện Long Phú 2 theo hình thức BOT tại Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

Tổng công suất của nhà máy là 1.200 MW, bao gồm 2 tổ máy. Theo Tata Power, nhà máy nhiệt điện Long Phú 2 dự kiến sẽ sử dụng nguồn than nhập khẩu từ Indonesia hoặc Australia, được vận chuyển bằng tàu trọng tải lớn (trên 100.000 DWT).

Tuy nhiên, do tàu lớn không vào được các cảng khu vực ĐBSCL nên phương án được tính tới là vận chuyển từ cảng nước sâu ở Bà Rịa - Vũng Tàu hoặc một số cảng khác rồi chuyển qua tàu nhỏ hoặc sà lan, có mớn nước phù hợp với luồng sông Hậu để đưa đến cầu cảng của nhà máy.

Dự kiến, đến năm 2018 nhà máy nhiệt điện Long Phú 2 sẽ đi vào vận hành. Do vậy, công ty này kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng các cảng trung chuyển than để vận chuyển than đến các nhà máy, ông Nhật cho biết.

Thời gian tới Cục Hàng hải Việt Nam sẽ có chuyến khảo sát về các địa điểm xây dựng cảng trung chuyển than khu vực ĐBSCL.

Năm 2012, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã đề xuất 8 vị trí đặt cảng trung chuyển than cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gồm Vĩnh Tân, Cái Mép, Sóc Trăng, Côn Đảo, Nam Du, Duyên Hải, Soài Rạp và Hòn Khoai.

Long Phú 2 là một trong ba nhà máy thuộc Trung tâm nhiệt điện Long Phú (Sóc Trăng), được Chính phủ phê duyệt đến năm 2015. Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 đã được Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) xây dựng và dự kiến đi vào hoạt động năm 2015.

Tại khu vực ĐBSCL, dự kiến sẽ xây dựng các trung tâm điện lực lớn như Duyên Hải (Trà Vinh), Long Phú (Sóc Trăng), Sông Hậu (Hậu Giang) … sử dụng than làm nhiên liệu chính. Do vậy, việc nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển than cho các nhà máy nhiệt điện khu vực này là cần thiết.



;
Từ khóa: Tin tức khác

Bài liên quan