Chỉ sau đúng 1 tuần Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Đỗ Văn Hậu thực hiện giao ban trên công trường, cả Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Vũng Áng 1 như vỡ òa bởi niềm vui nâng công suất tổ máy lên tối đa (600MW). Đây là thành công đặc biệt quan trọng, đánh dấu sự nỗ lực của cán bộ, công nhân viên Ban Quản lý dự án, các nhà thầu xây dựng, vận hành chạy thử nhà máy liên tục trong gần 1 năm kể từ ngày đầu tiên đốt lửa lò hơi Tổ máy số 1.
Mỗi lần vận hành là một lần hẹn
Dù đã được cảnh báo về mảnh đất được mệnh danh là “nắng cháy cỏ, mưa thối chuối” của Kỳ Anh (Hà Tĩnh) nhưng lần đầu đặt chân đến Vũng Áng, chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng. Từng đợt gió nóng như lửa táp làm cỏ cây trên dãy núi có tên rất lạ là Bò Càn trở nên loang lổ những khoảng màu nâu xỉn như một chiếc chăn dạ cũ rích của con nhà nghèo. Hỏi những người dân trong vùng chỉ biết cái tên này là cách tả nôm na hình hài ngọn núi như bị đàn bò gặm nham nhở, xơ xác. Trong cái nóng ấy, NMNĐ Vũng Áng 1 với sắt thép và bê tông thì nó trở thành một cái chảo lửa khổng lồ. Vậy mà hàng trăm kỹ sư, công nhân kỹ thuật vận hành nhà máy vẫn liên tục di chuyển như con thoi với khuôn mặt rạng rỡ thực hiện các thao tác để toàn bộ nhà máy vận hành trở lại sau khi đã hoàn thành phát điện Tổ máy số 1 vượt công suất thiết kế lên đến 631MW vào ngày 7/8/2014.
Đầu tháng 8/2014, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Đỗ Văn Hậu (PVN) cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã kiểm tra tiến độ và thực hiện giao ban trên công trường xây dựng NMNĐ Vũng Áng 1. Sau khi lắng nghe báo cáo của các nhà thầu xây dựng và vận hành chạy thử nhà máy, Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu khẳng định, mục tiêu cao nhất của dự án là cấp PAC (chứng chỉ phát điện thương mại tạm thời) cho Tổ máy số 1 vào tháng 10-2014, Tổ máy số 2 vào tháng 12/2014. Để đạt được mục tiêu nói trên, Tổng giám đốc yêu cầu tất cả các bên bao gồm Ban QLDA, các ban của Tập đoàn, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) và các nhà thầu phụ tham gia dự án tiếp tục nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt tổ chức triển khai thi công, lắp đặt, chạy thử để nghiệm thu các tổ máy theo kế hoạch.
Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng
Anh Hữu Vinh ví von, mỗi lần vận hành máy là một lần hồi hộp như lần đầu hẹn gặp người yêu. Dù chúng tôi đã vài chục lần khởi động, vận hành toàn bộ nhà máy nhưng đối với anh em trong NMNĐ Vũng Áng, cảm giác mong đợi luôn thường trực. Bởi trong quá trình vận hành chạy thử khó mà tránh khỏi những sự cố nhỏ. Nói cách khác, sự cố là cơ hội để đội ngũ vận hành nắm bắt được “tính nết” mỗi một thiết bị, hiểu sâu hơn về công nghệ của toàn bộ nhà máy. Bởi vậy, đội ngũ kỹ sư, công nhân vận hành luôn ở trạng thái trực chiến, sẵn sàng tìm hiểu, đưa ra các phương án để xử lý những thiết bị đỏng đảnh.
Nguồn điện từ những dòng máu nóng
Cùng với đội ngũ kỹ sư vận hành của Tổng thầu LILAMA, đơn vị có nhiệm vụ tiếp quản nhà máy trong tương lai, Ban Chuẩn bị sản xuất (CBSX), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí - PV Power cũng luôn căng mình trong công tác vận hành. Tham gia vận hành chạy thử từ tháng 3/2013, đội ngũ học viên (gần 100 kỹ sư và hơn 350 công nhân kỹ thuật) cũng đang vào guồng tăng tốc.
Nếu như giai đoạn xây dựng hạ tầng, lắp ráp thiết bị được xem là giai đoạn trồng cây thì vận hành chạy thử có vai trò quyết định hái được quả chua hay ngọt. Phòng điều khiển trung tâm, bộ não của nhà máy luôn thường trực 3 đội vận hành của các chuyên gia quốc tế và một đội kỹ sư vận hành của Ban CBSX. Hàng chục đôi mắt luôn dán vào hệ thống 30 chiếc màn hình máy tính cỡ lớn, liên tục các dòng thông số của các thiết bị được truyền về, tập hợp so sánh, điều chỉnh từng phút.
Anh Nguyễn Quý Kiên, Trưởng ca vận hành của Ban CBSX - PV Power là một trong những kỹ sư lớn tuổi nhất đã bộc bạch với chúng tôi về công tác vận hành và niềm tự hào về ngày nhà máy phát điện đạt công suất tối đa. Anh Kiên cho rằng, việc vận hành máy là một sự cầu kỳ đến từng chi tiết. Đơn cử như việc điều chỉnh nhiệt độ của lò hơi cũng chia ra nhiều giai đoạn, tùy theo thời điểm và yêu cầu công suất vận hành. Khi mới khởi động, nhiệt độ lò hơi phải dưới 5380C, còn trong quá trình vận hành bình thường thì nhiệt độ từ lò hơi vào turbine không được lớn hơn 5550C để đảm bảo quá trình sinh điện không gặp sự cố. Ngoài ra, trong quá trình phát điện, nâng giảm công suất thì cần thêm, bớt nhiên liệu, tăng giảm lượng không khí trong lò đốt để phù hợp với mức nước trong bao hơi, nhiệt độ trong lò… tất cả đều được hệ thống điều khiển trung tâm phát lệnh, căn chỉnh chính xác.
Cầu cảng nhận than của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1
Đối với anh em công nhân LILAMA, Tổng thầu EPC của dự án vừa là đơn vị trực tiếp thi công lắp đặt thiết bị cũng phải đối mặt với không ít khó khăn do khí hậu của Vũng Áng. Mặc dù được bảo quản khá kỹ càng nhưng mưa triền miên và sương muối trong không khí vẫn làm cho một số khung sắt, giằng thép bị gỉ sét, nặng hơn nữa là xuất hiện các nốt rỗ trên bề mặt thiết bị. Bởi vậy, khi lắp đặt, thiết bị vật tư đưa lên nhà máy không đủ tiêu chuẩn lại phải đặt xuống để tiến hành bảo trì, bảo dưỡng. Thêm vào đó, các thiết bị được lắp đặt ở NMNĐ Vũng Áng 1 lại đều được nhập từ nước ngoài với tiêu chuẩn nghiêm ngặt của các nước G7 nên thiết bị nào hỏng hóc sẽ rất khó có thể thay thế ngay lập tức, mất rất nhiều thời gian để đặt hàng, vận chuyển về Việt Nam.
Gần đây nhất phòng vật tư LILAMA đã khéo léo xử lý thay thế chiếc van bơm nước cấp vào lò hơi. Đây là thiết bị phải đặt hàng và sản xuất từ Mỹ, không có sẵn thiết bị thay thế tại Việt Nam. Nếu theo trình tự thông thường thì dự án phải chờ ít nhất một năm. Ban Điều hành Dự án của LILAMA đã thống nhất với Ban QLDA tự mày mò, đặt hàng tại nước thứ 3 với thông số và chất lượng van đúng theo yêu cầu của nhà thầu thiết bị. Khi chiếc van về tới nhà máy, được kiểm định chất lượng đạt chuẩn, lắp đặt và vận hành tốt, toàn bộ lãnh đạo LILAMA, đội ngũ vận hành thở phào nhẹ nhõm.
Đầu quân về Vũng Áng từ Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, anh Phạm Hồng Sơn, Phó giám đốc Ban điều hành Tổng thầu LILAMA xúc động bày tỏ: “Tôi ấn tượng nhất ở NMNĐ Vũng Áng bởi đây là một dự án lớn, phải chia thành nhiều gói thầu nhỏ khiến công tác thiết kế, quản lý, vận hành trở nên cực kỳ khó khăn. Ở thời khắc nhà máy đạt công suất hơn 600MW, quả thực không ngôn ngữ nào diễn tả được sự xúc động của chúng tôi. Thành công này là sự khẳng định quyết tâm, bản lĩnh cũng như trình độ của tập thể cả ngàn con người, xóa đi rất nhiều nghi ngờ về năng lực cũng như chất lượng công trình. Cột mốc này cũng là sự khẳng định bản lĩnh của những kỹ sư trẻ, đã dám nghĩ, dám làm trong quá trình xây dựng và vận hành nhà máy. Chúng tôi đã củng cố vững chắc niềm tin vào việc đưa nhà máy vào hoạt động và phát điện trên tâm thế tự tin, tự chủ”.
Tạm biệt Vũng Áng, chúng tôi ấn tượng mãi về câu chuyện cây xoài duy nhất được trồng trước cửa nhà thi đấu thể thao. Nó đã ngót chục lần bị bão, gió lốc quật đổ rồi lại được anh em trong Ban QLDA dựng lên, chăm sóc. Lạ một điều là cây xoài này vẫn sinh tồn mạnh mẽ trước mưa bão, nắng lửa, vươn lên đơm hoa kết quả lần đầu tiên sau hơn 5 năm. Những người xây dựng NMNĐ Vũng Áng đã coi đó là một điềm báo về phần thưởng ngọt ngào dành cho những người kiên trì, vững niềm tin với sự nghiệp xây dựng nguồn điện Dầu khí.