Thứ ba, 10/12/2013 | 10:49

Ninh Bình: Phát triển hệ thống điện nông thôn

Thời gian qua, ngành Công Thương tỉnh Ninh Bình cùng Công ty Điện lực Ninh Bình đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư, cải tạo mạng lưới điện nông thôn… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có đủ điện phát triển sản xuất và sinh hoạt, góp phần quan trọng

Ninh Bình: Phát triển hệ thống điện nông thôn

Ninh Bình: Phát triển hệ thống điện nông thôn

Thời gian qua, ngành Công Thương tỉnh Ninh Bình cùng Công ty Điện lực Ninh Bình đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư, cải tạo mạng lưới điện nông thôn… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có đủ điện phát triển sản xuất và sinh hoạt, góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới tại địa phương.


Công nhân ngành điện Ninh Bình di chuyển cột điện tại xã Thanh Phú - huyện Yên Khánh

Nỗ lực xây dựng, cải tạo mạng lưới điện nông thôn

Nhìn vào tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn, có thể nói Ninh Bình là tỉnh hoàn thành khá sớm việc “phủ” điện lưới quốc gia đến từng hộ dân. Từ năm 2011, lưới điện quốc gia đã “phủ” kín 100% số xã, phường thị trấn trên địa bàn. Công ty Điện lực Ninh Bình đã đầu tư xây dựng hàng trăm trạm biến áp, thay mới hàng nghìn công tơ đúng tiêu chuẩn, đầu tư nâng cấp, cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn tại 43 xã thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố…, đến nay đã đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, quản lý vận hành bán điện, đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế- xã hội.

Đó là kết quả tích cực, sự nỗ lực lớn của các đơn vị trong tỉnh. Bởi lẽ, cũng như nhiều địa phương khác, hệ thống lưới điện nông thôn ở Ninh Bình được xây dựng chủ yếu từ thời kỳ bao cấp, đường dây trung thế và máy biến áp thường được đặt gần các trạm bơm, cách xa phụ tải tiêu thụ điện sinh hoạt, bán kính cấp điện nhiều nơi từ 2- 3 km, dây dẫn không đủ tiết diện, do đó chất lượng điện kém và tổn thất điện lớn...

Hiện nay trên địa bàn còn 27 đơn vị kinh doanh bán lẻ điện nông thôn ở các huyện: Yên Mô, Hoa Lư, Yên Khánh, Kim Sơn và Gia Viễn. Do năng lực tài chính còn yếu, một số đơn vị kinh doanh bán lẻ điện nông thôn đã đầu tư, cải tạo nhưng vẫn mang tính cơi nới, chắp vá, nhiều nơi bán kính cấp điện xa, dây dẫn nhỏ, phi tiêu chuẩn, cột tự chế, cột bằng tre gỗ, tổn thất điện năng lớn và mất an toàn...

Theo mục tiêu chung đặt ra, đến năm 2015, tỉnh sẽ xây dựng lưới điện nông thôn bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định và liên tục, đáp ứng nhu cầu về điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân ở khu vực nông thôn. Ninh Bình sẽ tiến hành xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống lưới điện hạ thế nông thôn, đặc biệt là lưới điện hạ thế do các tổ chức kinh doanh bán lẻ điện nông thôn quản lý.

Đến năm 2015, Ninh Bình phấn đấu 70% số xã có hạ tầng điện đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, với mô hình mỗi xã có 1 tổ chốt phục vụ sửa chữa điện cho nhân dân. Giai đoạn 2016- 2020, toàn bộ hệ thống điện bảo đảm yêu cầu kỹ thuật của ngành điện; tỷ lệ hộ sử dụng thường xuyên, an toàn từ các nguồn đạt 100%.

Thực hiện chỉ tiêu “tỷ lệ số hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn”, hiện tại hệ thống điện đã đến từng ngách, ngõ, thôn xóm trong từng xã, thị trấn, từng bước cải tạo hệ thống điện chưa bảo đảm kỹ thuật để đáp ứng nguồn điện an toàn và liên tục.

Thực hiện chỉ tiêu “hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện” trong giai đoạn từ năm 2011- 2015 bằng việc huy động các nguồn vốn, Công ty Điện lực Ninh Bình và các đơn vị kinh doanh bán lẻ điện nông thôn sẽ tiến hành cải tạo nâng cấp những tuyến đường dây hạ thế không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật; thay thế toàn bộ dây dẫn, hệ thống đo đếm, cột điện cũ nát xuống cấp thành hệ thống lưới điện nông thôn đảm bảo có 83/119 xã theo tiêu chí 4.1 (Tiêu chí số 4, Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới).

Tạo động lực xây dựng nông thôn mới

Để góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, Sở Công Thương đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị có liên quan và phối hợp cùng UBND huyện, các xã nằm trong Dự án “Nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn - giai đoạn 2 - vay vốn Ngân hàng Tái thiết Đức ” tạo điều kiện và phối hợp chặt chẽ với Công ty Điện lực Ninh Bình trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Việc xây dựng lưới điện phải phù hợp và đồng bộ với quy hoạch các công trình hạ tầng kỹ thuật khác trên địa bàn đã được lập, phê duyệt trong đề án xây dựng nông thôn mới của xã như: Khu vực sản xuất - kinh doanh, các trạm bơm tưới tiêu, khu dân cư tập trung, đường giao thông... để từ đó có sự thống nhất giữa UBND xã với Công ty Điện lực Ninh Bình về vị trí xây dựng trạm biến áp, vị trí chôn cột điện.


Đường điện tạo diện mạo cho vùng nông thôn mới Ninh Bình

Có thể nói, công tác xây dựng nông thôn mới của tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, cơ sở hạ tầng phục vụ cho đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân đã được đầu tư nâng cấp, trong đó có hệ thống lưới điện.

Nhằm phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, thời gian tới, Sở Công Thương Ninh Bình sẽ phối hợp chặt chẽ với Công ty Điện lực Ninh Bình cũng như các đơn vị, địa phương trong việc triển khai xây dựng, phát triển hệ thống mạng lưới điện nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, đặc biệt sẽ tập trung cải tạo, di dời hệ thống cột điện phù hợp với giao thông và khu dân cư... Các huyện, xã xây dựng kế hoạch và phối hợp chặt chẽ với đơn vị điện lực để tiến hành khảo sát thực tế các vị trí cột điện cần di chuyển ngay, các vị trí cần di chuyển trong thời gian tới; tạo điều kiện về giải phóng mặt bằng, thống nhất với Công ty Điện lực về vị trí chôn cột điện để đơn vị điện lực các huyện, thị xã tiến hành thi công, bảo đảm mỹ quan lưới điện sau khi được di chuyển và đáp ứng được Tiêu chí số 4.

Đối với lưới điện do các đơn vị kinh doanh bán lẻ điện nông thôn đang quản lý và vận hành, các đơn vị có trách nhiệm bố trí kinh phí và kết hợp với địa phương thực hiện di chuyển các vị trí cột điện do làm đường giao thông nông thôn...

 Công ty Điện lực Ninh Bình sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới và cải tạo nâng cấp lưới điện trên địa bàn các xã đã tiếp nhận lưới điện, đặc biệt là tại các xã điểm được lựa chọn xây dựng nông thôn mới của tỉnh; chỉ đạo đơn vị điện lực các huyện, thị xã thường xuyên nắm bắt tình hình và phối hợp với các xã thống kê các vị trí cột điện cần di chuyển, vị trí chôn cột mới để triển khai xây dựng phương án và kế hoạch thực hiện; tập trung bố trí nguồn kinh phí, vật tư thiết bị và nhân lực để triển khai thực hiện.


;
Từ khóa: Tin tức khác

Bài liên quan