Thứ sáu, 08/08/2014 | 10:06

Quản lý thủy điện đang hướng tới quyền lợi của người dân

Tại cuộc Họp về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 18/02/2014 của Chính phủ, về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chỉ đạo: “Xây

Quản lý thủy điện đang hướng tới quyền lợi của người dân

Quản lý thủy điện đang hướng tới quyền lợi của người dân

Tại cuộc Họp về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 18/02/2014 của Chính phủ, về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chỉ đạo: “Xây dựng, vận hành, khai thác công trình thủy điện phải đảm bảo quyền lợi của người dân”.

Báo cáo dự thảo về tình hình triển khai thực hiện NQ 11, ông Đặng Huy Cường, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng cho biết, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã thực hiện rà soát quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, loại khỏi quy hoạch các dự án thủy điện có hiệu quả thấp, tác động tiêu cực lớn đối với môi trường và xã hội. Bộ cũng đã tổng hợp, báo cáo Chính phủ tình hình thực hiện quy định về quản lý chất lượng công trình trong công tác khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu, quản lý an toàn, giải quyết sự cố khi thi công công trình; tình hình công tác bồi thường, hỗ trợ di dân, tái định cư tại các dự án thủy điện; việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, tác động của việc điều tiết hồ chứa trong mùa lũ và mùa kiệt đối với hạ du...

Bộ Công Thương đã ban hành các chỉ thị, văn bản chỉ đạo, yêu cầu các địa phương và các đơn vị quản lý nhà máy thủy điện tăng cường công tác quản lý an toàn đập thủy điện trong mùa lũ, công tác phòng chống thiên tai, lũ lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, công tác cảnh báo vận hành hồ chứa và nhà máy thủy điện để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du; Rà soát hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các công trình thủy điện để đề xuất việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thủy điện; Xây dựng cơ chế tài chính đối với các nhà máy thủy điện vận hành cấp nước cho hạ du vào mùa khô theo yêu cầu sản xuất, sinh hoạt.

Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự thảo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện và quy trình về ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện; Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, góp ý quy trình vận hành liên hồ chứa mùa lũ cho các lưu vực sông Vu Gia -Thu Bồn, Sông Trà Khúc, sông Đồng Nai…

Bộ Công Thương với vai trò đầu mối đã phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc NQ11 một cách đồng bộ, với mục tiêu rõ ràng; Hoàn thành công tác rà soát về quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác công trình thủy điện trên địa bàn cả nước; Tuân thủ đúng các quy định hiện hành, xây dựng các khu tái định cư cho bà con ổn định đời sống khi về nơi ở mới; Tích cực xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện, hạn chế phát sinh khiếu kiện ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, các dự án thủy điện do EVN làm chủ đầu tư đều là các dự án có công suất lắp máy từ 60MW trở lên và hầu hết các dự án đều thực hiện đúng các quy định về chính sách pháp luật hiện hành, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn được phép áp dụng về đầu tư xây dựng. Đồng thời, trong công tác thực hiện quy hoạch di dân tái định cư, tái định canh, các dự án thủy điện do EVN làm chủ đầu tư đều được các đơn vị tư vấn chuyên ngành lập. Công tác quản lý vận hành công trình theo đúng quy định của Chính phủ. Định kỳ hàng năm, trước và sau mùa lũ, các đơn vị quản lý, vận hành đã tiến hành tổ chức kiểm tra, đánh giá tình trạng công trình, thiết bị, tình hình sạt lở vùng hồ và có biện pháp sửa chữa, khắc phục. Trước mùa lũ hàng năm, các đơn vị đã triển khai thực hiện việc xây dựng phương án phòng chống lụt, bão, bảo đảm an toàn đập trong mùa lũ.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và vận hành công trình thủy điện, EVN cũng gặp phải một số những khó khăn, vướng mắc như: các dự án thủy điện do EVN quản lý làm chủ đầu tư có quy mô lớn, thời gian chuẩn bị đầu tư và xây dựng lâu dài, phạm vi dự án rộng nên cùng 1 dự án bị chi phối bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Các phương án đề cập đến tình huống xả lũ khẩn cấp, tình huống vỡ đập chưa được thực hiện đồng bộ. Công tác dự báo khí tượng thủy văn còn hạn chế. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng cũng vấp phải khó khăn nhất định ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, qua 6 tháng triển khai NQ 11 của Chính phủ, Bộ Công Thương đã nhận diện được những điều còn hạn chế, thiếu sót và đề ra các phương án để tiếp tục triển khai chương trình từ nay đến cuối năm. Theo Bộ trưởng, công tác thủy điện không chỉ dừng ở việc có kết quả để báo cáo với Quốc hội, mà phải được coi là vấn đề lâu dài. Vì thế, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan tiếp tục rà soát quy chế vận hành liên hồ chứa, bổ sung quy chế vận hành hồ chứa trong cả mùa mưa và mùa khô, đảm bảo đời sống sinh hoạt cho bà con nhân dân; Thực hiện hướng dẫn, đôn đốc, đền bù đất lấy làm thủy điện hợp lý, tránh gây bức xúc trong nhân dân, nhanh chóng giải tỏa được mặt bằng để triển khai dự án đúng tiến độ; Tiếp tục thực hiện di dân, tái định dư hiệu quả.

Với vai trò là cơ quan đầu mối, Bộ Công Thương có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ban, ngành địa phương rà soát quy hoạch, kiểm tra tiến độ công trình, năng lực thi công của chủ đầu tư; Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý các vi phạm, khi phát hiện ra sai phạm cần làm rõ trách nhiệm, nếu cần thiết có thể xử lý theo pháp luật hiện hành.

Bộ trưởng chỉ đạo, thời gian tới, cần phải triển khai mạnh mẽ hơn nữa NQ11 của Chính phủ, hoàn thành tiến độ theo quy định. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị cần kịp thời đề xuất với các cấp có thẩm quyền những vấn đề nằm ngoài khung quy định. Đồng thời, kiên quyết xử lý các sai phạm trong xây dựng, vận hành công trình thủy điện. Phối hợp với các bộ, ban, ngành để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa thủy lợi - thủy điện, kinh tế - môi trường, phát triển kinh tế - xã hội, gắn với duy trì bản sắc văn hóa, đảm bảo quyền lợi cho người dân, xiết chặt hơn nữa quá trình thẩm tra thiết kế, thi công, quản lý các công trình thủy điện.

;
Từ khóa: Tin tức khác

Bài liên quan