Thứ sáu, 22/11/2013 | 13:19

Rắc rối với mặt hàng điện nhập khẩu

Điện là mặt hàng đặc thù, không trực tiếp qua cửa khẩu như hàng hóa thông thường, đã gây khó khăn cho cơ quan Hải quan trong việc xác định số lượng, xác định trị giá tính thuế...

Rắc rối với mặt hàng điện nhập khẩu

Rắc rối với mặt hàng điện nhập khẩu

Điện là mặt hàng đặc thù, không trực tiếp qua cửa khẩu như hàng hóa thông thường, đã gây khó khăn cho cơ quan Hải quan trong việc xác định số lượng, xác định trị giá tính thuế...


Vì vậy để đảm bảo quản lý mặt hàng đặc thù này được chặt chẽ và phù hợp với thực tế, một số cục Hải quan địa phương đề xuất Tổng cục Hải quan cần có hướng dẫn riêng về thủ tục hải quan và kê khai thuế đối với mặt hàng điện.

Cục Hải quan Quảng Nam cho biết, từ tháng 6-2013 đơn vị bắt đầu phát sinh tờ khai NK điện năng từ Lào, bên XK là Công ty TNHH Điện Xêkaman 3 (nước Lào), bên NK là Tập đoàn Điện lực Việt Nam ủy quyền cho Công ty Mua bán điện thực hiện thủ tục hải quan NK điện năng.

Tuy nhiên, điện năng là mặt hàng đặc thù, do đó việc xác định khối lượng, xác định trị giá tính thuế hàng NK chủ yếu dựa vào cách tính của DN quy định trong hợp đồng. Cơ quan Hải quan chấp nhận trị giá khai báo theo giá ghi trên hợp đồng mua bán điện.

Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có quy trình thủ tục cụ thể cho mặt hàng điện, khi DN khai báo cho cơ quan Hải quan thì hàng đã được đưa vào sử dụng, hàng đã thực nhập vào Việt Nam qua hệ thống truyền tải, trạm biến áp, không trực tiếp đi qua cửa khẩu như hàng hóa thông thường, hải quan chỉ căn cứ theo biên bản xác nhận chốt chỉ số công tơ điện mà không thể giám sát, kiểm soát như hàng hóa khác... vì vậy, đã gây khó khăn cho cơ quan Hải quan trong việc xác định số lượng, xác định trị giá tính thuế mặt hàng điện NK. Việc tính sản lượng điện NK chỉ dựa vào các công thức tính chuyên ngành do hai bên thống nhất và quy định trong hợp đồng, cách tính này chưa có quy định pháp lý cụ thể.

Hải quan Quảng Nam cũng cho biết, thời gian khai báo của DN NK điện trong khoảng 25 ngày kể từ ngày bên mua và bên bán xác định sản lượng điện NK, bên mua tiến hành kê khai, mở tờ khai hải quan NK và nộp thuế… là không đúng với quy định tại Nghị định 154/2005/NĐ-CP và Thông tư 128/2013/TT-BTC.

Cùng có vướng mắc tương tự, tại Cục Hải quan Hà Giang, DN NK điện mở tờ khai theo từng tháng, hàng hóa NK của tháng trước kê khai vào những ngày cuối của tháng tiếp theo. DN chỉ thực hiện kê khai đối với số lượng hàng hóa thực NK, ngày hàng đến cửa khẩu nhập tính theo ngày cuối cùng của tháng phát sinh lượng điện NK. Như vậy, sau khi hàng hóa NK đã thông quan thì DN mới thực hiện khai báo và công chức hải quan xác nhận hàng đã qua khu vực giám sát… Điều này không phù hợp với quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa NK thương mại thông thường quy định tại Khoản 3 Điều 11 và Khoản 1 Điều 18 Thông tư 128/2013/TT-BTC.

Bên cạnh đó, hiện trị giá tính thuế được tính toán theo số lượng điện chốt công tơ tại các trạm của hai bên từ tỷ lệ tiêu hao. Hàng tháng, chi cục hải quan cửa khẩu cử công chức cùng đại diện DN đến các trạm điện tại Việt Nam để kiểm tra, chốt số điện làm căn cứ xác định số lượng điện khai báo trên tờ khai hải quan. Đơn giá tính thuế theo giá DN khai báo phù hợp với hợp đồng thương mại…

Từ thực tế này, Hải quan Hà Giang và Hải quan Quảng Nam cho rằng, Tổng cục Hải quan cần sớm ban hành quy trình hoặc có hướng dẫn riêng về thủ tục hải quan và kê khai thuế đối với mặt hàng điện năng.

Theo đó, trong việc khai báo hải quan cần có quy định riêng đối với hàng hóa NK có tính chất đặc thù, như mặt hàng điện năng cần được khai báo hải quan và kê khai thuế theo số chốt công tơ hàng tháng. Việc khai báo căn cứ vào lượng điện thực tế đã NK. Cần có quy định về việc DN phải nộp bản chốt số điện cuối tháng để làm căn cứ tính toán số lượng điện khai báo. Xây dựng phương pháp, công thức xác định số lượng điện NK làm căn cứ có tính pháp lý trong việc kiểm tra, kê khai, tính thuế của DN. Đồng thời quy định cụ thể thời điểm DN phải đăng ký tờ khai hải quan đối với mặt hàng điện.

Trong việc xác định trị giá tính thuế, theo Cục Hải quan Hà Giang, cần có hướng dẫn cụ thể đối với các khoản phải cộng vào trị giá tính thuế như các khoản phụ phí, các khoản tiền bên mua phải thanh toán thêm cho bên bán do dùng số lượng không đúng theo thỏa thuận… Hoặc kiến nghị với Bộ Tài chính có ý kiến với Bộ Công Thương để thống nhất cách tính sản lượng điện năng XK, NK.


;
Từ khóa: Tin tức khác

Bài liên quan