Theo định hướng đã được phê duyệt của chính phủ Việt Nam, tới năm 2030, Việt Nam sẽ xây dựng và đưa vào vận hành 13 tổ máy phát điện của nhà máy điện hạt nhân, với tổng công suất 15GW, chiếm 10% tỉ trọng sản xuất điện quốc gia.
Lớp sinh viên Việt Nam đầu tiên học chuyên ngành “Nhà máy và trạm điện nguyên tử”.
Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (Rosatom) - đối tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 - cho biết: Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam Ninh Thuận 1 do Nga thiết kế ấn định thời điểm đi vào vận hành vào năm 2023 - 2024. Đây là một phần trong thời gian biểu đã được thống nhất bởi Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga và Bộ Công Thương Việt Nam, thông qua các cơ quan hữu quan trực thuộc, từ tháng 2/2013.
“Quyết định dời thời điểm bắt đầu vận hành nhà máy được đưa ra theo yêu cầu của phía Việt Nam vào tháng 2/2013, bởi việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đòi hỏi một khối lượng công việc lớn cần phải hoàn thành để thiết lập khung pháp lý tương ứng, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, và cụ thể là đào tạo nguồn nhân lực đạt yêu cầu cho việc thi công và vận hành nhà máy điện hạt nhân”, thông tin từ Rosatom nhấn mạnh.
Theo định hướng đã được phê duyệt của chính phủ Việt Nam, tới năm 2030, Việt Nam sẽ xây dựng và đưa vào vận hành 13 tổ máy phát điện của nhà máy điện hạt nhân, với tổng công suất 15GW, chiếm 10% tỉ trọng sản xuất điện quốc gia.
Hiện nay, những hạng mục liên quan tới việc thi công nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 theo thiết kế của Nga vẫn đang được triển khai, bao gồm: thiết kế kỹ thuật, tái định cư, thi công cơ sở hạ tầng. Công trình nhà máy trong khi đó sẽ khởi công vào năm 2017.
Ngoài nhà máy điện hạt nhân, Rosatom còn hỗ trợ xây dựng một trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân ở Việt Nam, bao gồm một lò phản ứng nghiên cứu mới và các phòng thí nghiệm, cũng như các khu phức hợp chuyên môn.
Cũng theo thông tin từ Rosotom, Liên bang Nga nói chung và tập đoàn này nói riêng hiện đã và đang đem lại những hỗ trợ về giáo dục đào tạo cho Việt Nam, đóng góp vào sự nghiệp phát triển công nghệ năng lượng của đất nước. Trong năm 2013 đã có hơn 240 sinh viên Việt Nam học tập tại các viện nghiên cứu và đại học của Nga về công nghệ hạt nhân. Rosatom cũng tổ chức các đợt thực tập tới các cơ sở điện hạt nhân đang thi công tại Nga cho các chuyên viên của Việt Nam.
Song song đó, trong năm 2013, 51 thực tập sinh đã hoàn thành nhiệm vụ tại các địa điểm thi công tổ máy số 3 và số 4 của nhà máy điện hạt nhân Rostov. Bên cạnh kinh nghiệm chuyên môn thực tiễn trong thi công nhà máy điện hạt nhân, việc đào tạo nâng cao nghiệp vụ còn bao gồm kỹ năng làm việc với tài liệu kỹ thuật, làm chủ công nghệ an toàn, và lĩnh hội các tiêu chuẩn chất lượng của Nga trong vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Vào đầu tháng 1 năm 2014, đã có một đợt thực tập sinh mới với 100 chuyên viên có mặt tại nhà máy điện hạt nhân Rostov để bắt đầu chương trình tập huấn nâng cao nghiệp vụ kéo dài một năm.