Cơ cấu lại nền kinh tế với 3 trọng tâm là tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng là giải pháp quan trọng được nêu trong kết luận Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI với mục tiêu nhằm nâng cao nội lực, sức cạnh tranh, hướng tới sự phát triển bền vững nền kinh tế đất nước. Là tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước lại được giao trọng trách “đi trước một bước”, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nỗ lực tham gia và tiến hành tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ.
Dấu ấn ngành điện
Bước sang giai đoạn 2011-2020, EVN tiếp tục khẳng định vai trò chính trong thực hiện đầu tư, phát triển nguồn và lưới điện theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 với nhiệm vụ đầu tư các dự án nhà máy điện với tổng công suất 9.800MW, chiếm 58% tổng công suất các nguồn điện mới trong giai đoạn này. Ngoài ra, EVN cũng được Chính phủ giao xây dựng toàn bộ hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối, lưới điện liên kết với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia và các nước trong khu vực để mua bán và trao đổi điện năng. Riêng trong giai đoạn 2011-2015, khối lượng đầu tư cơ sở hạ tầng điện lực mà Chính phủ giao cho Tập đoàn đảm nhận trong giai đoạn 2011-2015 yêu cầu lượng vốn đầu tư lên tới 501.470 tỉ đồng, gấp 2,45 lần so với tổng đầu tư của EVN giai đoạn 2006-2010.
Ngành điện đã sẵn sàng "đi trước một bước"
Đặc biệt, trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, EVN chính là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, cung cấp dịch vụ công ích cho xã hội, củng cố an ninh quốc phòng. Ví như năm 2011-2012, trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước khó khăn, để ổn định kinh tế và kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã cân nhắc, hạn chế điều chỉnh tăng giá theo cơ chế thị trường đối với các sản phẩm quan trọng như điện, than, xăng dầu. Chính phủ đã giao các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh điện cho EVN phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, Chính phủ ban hành biểu giá điện hàng năm trong đó điều chỉnh hợp lý giá bán điện cho các thành phần, đối tượng sử dụng điện để hạn chế tác động tới chi phí và giá thành sản phẩm của các ngành sản xuất cũng như tới đời sống sinh hoạt của nhân dân. Tính trong 3 năm 2010-2012, Chính phủ đã điều tiết giá bán lẻ điện năng ở mức độ để lợi nhuận hằng năm của EVN bằng 0%. Đây có thể xem là một sự hy sinh lớn của ngành điện nói chung và EVN nói riêng, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình tài chính, vốn đầu tư của Tập đoàn còn rất khó khăn.
Đáng chú ý, thực hiện chiến lược xóa đói giảm nghèo và chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn của Đảng, Chính phủ, EVN được Chính phủ giao nhiệm vụ giữ vai trò chủ chốt thực hiện chương trình đưa điện về nông thôn. Điều này đã khẳng định vai trò của EVN vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, đặc biệt là trong vấn đề đầu tư và cung ứng điện cho nông thôn - hoạt động đầu tư được Nhà nước xác định là dịch vụ công ích, chi phí đầu tư xây dựng rất lớn, có hiệu quả ý nghĩa lớn về chính trị - xã hội nhưng không có khả năng hoàn vốn.
EVN trên lộ trình tái cơ cấu
Theo Quyết định số 1782/QĐ-TTg ngày 23/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn 2012-2015, EVN có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng; chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối điện năng trong hệ thống điện quốc gia; xuất nhập khẩu điện năng; đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện. Đề án cũng nêu rõ: Tập đoàn phải tổ chức lại sản xuất kinh doanh, tiến hành tái cơ cấu các đơn vị thành viên để thực hiện chuyên môn hóa, phân công, hợp tác không dàn trải, phân tán nguồn lực, tránh cạnh tranh nội bộ. Đến hết năm 2015 phải hoàn thành việc thoái vốn đã đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán để tập trung mọi nguồn lực cho ngành nghề kinh doanh chính.
Và để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ trên, Tập đoàn đã và đang đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp, tập trung vào các nội dung như: Sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý điều hành; sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ, tăng cường kiểm soát nội bộ; hoàn thiện quy chế về công tác cán bộ, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực.
Trên tinh thần đó, sau 1 năm thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu theo quyết định của Thủ tướng, Tập đoàn đã hoàn thành xây dựng chiến lược phát triển của EVN giai đoạn 2012-2015, định hướng tới năm 2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chiến lược phát triển của EVN gắn liền với tái cơ cấu Tập đoàn nhằm tập trung các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ trong các năm sắp tới. Về xây dựng phương án tổ chức lại sản xuất kinh doanh, phương án tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên. Trong đó, Tập đoàn đã tổ chức lại khâu sản xuất điện với kết quả thành lập 3 tổng công ty phát điện 1, 2, 3 hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV.
Hiện nay 3 tổng công ty đã hoạt động tương đối ổn định. Các doanh nghiệp thành viên đã xây dựng đề án tái cơ cấu của từng đơn vị phù hợp với nội dung nhiệm vụ tái cơ cấu EVN giai đoạn 2012-2015. Tập đoàn đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của 6 đơn vị gồm: Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tổng Công ty Điện lực miền Trung, Tổng Công ty Điện lực miền Nam, Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội và Tổng Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh. Từ nay tới 2015, các tổng công ty phải sắp xếp, ổn định mô hình tổ chức của các đơn vị trực thuộc, thoái vốn đã đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính để tập trung nguồn lực vào lĩnh vực truyền tải và phân phối điện.
Tái cơ cấu nền kinh tế là một chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ đề ra và để thực hiện thành công tiến trình này, Tập đoàn phải phấn đấu vượt qua những khó khăn thách thức, trong đó nổi bật lên 2 thách thức lớn: Thứ nhất là giá điện hiện nay chưa thật sự chuyển theo cơ chế thị trường, còn bao cấp cho nhiều đối tượng, chưa tạo được động lực thu hút đầu tư vào phát triển điện lực cũng như thúc đẩy sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Thứ hai là Tập đoàn cần nhu cầu vốn rất lớn để đáp ứng nhiệm vụ đầu tư phát triển nguồn điện và lưới điện được Chính phủ giao cho Tập đoàn trong giai đoạn từ nay tới năm 2020 (bình quân mỗi năm khoảng 4 tỉ USD).
Theo tính toán của EVN, tới năm 2015, năng lực sản xuất điện của EVN sẽ đạt 23.000MW, chiếm 56% tổng công suất hệ thống điện quốc gia, chủ động sản xuất được khoảng 40% nhu cầu điện cả nước; còn tới năm 2020 năng lực sản xuất điện của EVN đạt gần 32.300MW, chiếm khoảng 43% tổng công suất hệ thống, chủ động sản xuất được 38-40% nhu cầu điện cả nước.