Mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan về việc triển khai cơ chế để đưa chủ trương nội địa hóa chế tạo thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện đi vào cuộc sống.
Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả, Quảng Ninh.
Tiến tới làm chủ thiết bị
Theo lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đây là chương trình dành được sự quan tâm lớn của Chính phủ. Các cơ chế tại Quyết định số 1791 năm 2012 của Thủ tướng nhằm mục tiêu nội địa hóa các nhà máy nhiệt điện được coi là cú huých từng bước nâng cao năng lực, tiến tới làm chủ công nghệ thiết kế và chế tạo thiết bị công nghệ có quy mô, giá trị lớn đồng thời góp phần giải quyết bài toán nhập siêu trong các sản phẩm cơ khí chế tạo hiện nay.
Theo Quy hoạch điện VII, tính đến năm 2030, sẽ có khoảng 60 nhà máy nhiệt điện được xây dựng. Nếu tính suất đầu tư trung bình hiện nay, Việt Nam sẽ phải đầu tư 97 tỷ USD để xây dựng các nhà máy này, trong đó phần chi phí thiết bị chiếm khoảng 60-70% tổng vốn đầu tư.
Cho đến nay, hầu hết các dây chuyền thiết bị nhiệt điện tại Việt Nam đều do nhà thầu nước ngoài cung cấp theo hình thức tổng thầu EPC.
Trong nước mới có một số đơn vị thực hiện tổng thầu EPC cho các dự án nhiệt điện, nhưng phần thiết bị cho các dự án này vẫn chủ yếu do nhà thầu nước ngoài thực hiện từ thiết kế đến cung cấp thiết bị.
Trình độ trong nước có thể đảm đương
Bộ Công Thương cho biết, qua rà soát, đánh giá, có khoảng 11 hạng mục thiết bị trong gói thầu EPC các nhà máy nhiệt điện mà năng lực, trình độ của các doanh nghiệp cơ khí trong nước có thể đảm đương.
Tuy nhiên, đến nay, việc tham gia thiết kế, chế tạo, lắp đặt các gói thầu cơ khí trong nước vẫn đang hết sức khó khăn, các cơ chế ưu đãi trong Quyết định 1791 năm 2012 vẫn chưa đi vào cuộc sống. Nhà thầu trong nước chủ yếu mới chỉ tham gia chế tạo những phần rất nhỏ trong tổng thầu, không có hiệu quả kinh tế cao.
Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công Thương đẩy nhanh trình tự thủ tục triển khai các cơ chế trong Quyết định 1791, thực hiện giao ban thường xuyên để xem xét, tháo gỡ ngay các vấn đề đối với từng dự án.
Các doanh nghiệp cơ khí phối hợp, phân công trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị để tránh chồng chéo, cạnh tranh không hiệu quả. Theo Phó Thủ tướng, mục tiêu là phải đưa được chủ trương có ý nghĩa kinh tế quan trọng này đi vào triển khai trên thực tế.
Tham khảo ý kiến của các chủ đầu tư các dự án nhiệt điện, Phó Thủ tướng đồng ý đề xuất chủ trương các dự án trong Quy hoạch điện VII đều phải xem xét vấn đề sử dụng thiết bị trong nước có thể cung cấp. Tuy nhiên, tiêu chí đưa ra cho các nhà thầu trong nước là sản phẩm phải có tính cạnh tranh, đảm bảo tiến độ, chất lượng so với hàng nhập khẩu.