Thứ năm, 24/04/2014 | 10:20

Thị trường năng lượng: Cần chuẩn mực thống nhất của cơ chế thị trường

          Ngành năng lượng Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, cơ bản đáp ứng được các mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Mặc dù vậy, để ngành năng lượng phát triển bền vững, hạn chế

Thị trường năng lượng: Cần chuẩn mực thống nhất của cơ chế thị trường

Thị trường năng lượng: Cần chuẩn mực thống nhất của cơ chế thị trường

               Ngành năng lượng Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, cơ bản đáp ứng được các mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Mặc dù vậy, để ngành năng lượng phát triển bền vững, hạn chế những bất cập hiện nay, cần tuân theo một chuẩn mực thống nhất của cơ chế thị trường.

Theo thống kê, ngành năng lượng luôn có tốc độ tăng trưởng cao, với sản lượng bình quân tăng 14%/năm (giai đoạn 2010 - 2013), hơn 98% dân cư được sử dụng điện, trong đó có nhiều địa bàn khó khăn, hải đảo. Một số ngành năng lượng, đặc biệt là dầu khí đang có vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế đất nước. Thị trường năng lượng Việt Nam cũng đã hình thành và định hướng phát triển theo lộ trình đối với từng lĩnh vực cụ thể. Bước đầu, Việt Nam đã thực hiện điều chỉnh giá điện, giá than theo cơ chế thị trường…

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Phạm Xuân Đương, Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương, ngành năng lượng Việt Nam vẫn còn những hạn chế như: xuất hiện tình trạng mất cân đối giữa các phân ngành năng lượng, giữa cung ứng và nhu cầu, giữa nhu cầu đầu tư và nguồn vốn đầu tư, bất cập trong việc phân bổ hệ thống năng lượng theo vùng, lãnh thổ. Đầu tư cho sự phát triển năng lượng vẫn chưa đáp ứng với sự phát triển kinh tế xã hội. Tiến độ của nhiều dự án còn chậm; hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh thị trường năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ. Giá năng lượng chưa phản ánh chính xác các yếu tố đầu vào của sản xuất và phân phối sản phẩm năng lượng...

Bên cạnh đó, việc phân loại đối tượng khách hàng sử dụng điện chưa rõ ràng. Chính sách về giá bán khí chậm được xây dựng. Việc xây dựng và thực hiện thị trường than còn chậm và thiếu đồng bộ. Trong khi đó, đa số các ngành trong nền kinh tế Việt Nam đã và đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường, thì ngành năng lượng do tính chất đặc thù vẫn thuộc sự quản lý của ba Tập đoàn kinh tế Nhà nước là điện lực, dầu khí và than.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) lo ngại: Dù là ngành chủ lực, song hiện 3 tập đoàn năng lượng lớn của đất nước là điện lực, dầu khí và than đang rơi vào tình trạng khó khăn trong việc giải bài toán giá bán điện, than, khí đủ bù đắp chi phí, nhưng vẫn có lợi nhuận để quay vòng vốn cho các dự án đầu tư.

Thị trường điện cạnh tranh, được xem là nội dung chiến lược phát triển dài hạn đã được Thủ tướng Chính phủ quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam. Việc này rất cần thiết và bước đầu đã tạo ra những thay đổi tích cực trong hoạt động điện lực.

Sau gần 10 năm nghiên cứu và thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh, hiện vẫn chưa có mô hình đúng theo nguyên tắc thị trường cạnh tranh đảm bảo tính hiệu quả, sự bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử giữa các đối tượng tham gia. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị chiếm phần chi phối lớn nhất trong khâu phát điện và chưa có đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực.

Về thị trường xăng dầu, ông Trần Viết Ngãi, nhận xét: Cơ chế bù giá trong xăng dầu duy trì quá lâu làm mất đi tính chủ động của doanh nghiệp, giảm động lực tiết giảm chi phí, doanh nghiệp không có tích lũy cho đầu tư phát triển, mất cơ hội đầu tư, giảm sức cạnh tranh…

Đối với ngành than, Chủ tịch VEA đánh giá, việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước đối với ngành than quá chậm. Đến nay, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vẫn là nhà cung cấp than chủ yếu trong nước và là nhà xuất khẩu duy nhất. Trong khi đó những bất cập của ngành than cũng bộc lộ khi nguồn than trong nước đang giảm đi. Việc quản lý Nhà nước về thị trường than trong nước và nhập khẩu chưa rõ ràng, đặc biệt là cơ chế quản lý giá bán than cho các hộ tiêu thụ trong nước và giá xuất nhập khẩu.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nhất thiết phải đẩy mạnh tái cơ cấu ngành năng lượng để từng bước hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở bảo đảm ổn định chính trị-xã hội. Trong đó, việc cần thiết hiện nay là tiếp tục thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước ngành năng lượng, tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích; hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân tham gia mạnh hơn vào phát triển ngành năng lượng.

Về vấn đề đảm bảo nguồn cung cấp khí phục vụ cho nhu cầu năng lượng quốc gia, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho rằng, thời gian tới Chính phủ cần có những chính sách đột phá, trong đó đảm bảo lợi nhuận đủ khuyến khích các nhà thầu đầu tư vào các dự án khí thượng nguồn/trung nguồn.

Theo Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành, để tiếp tục hoàn thiện và phát triển thị trường phát điện cạnh tranh, trước mắt cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý trên cơ sở tổng kết và khắc phục các bất cập phát sinh trong giai đoạn trước; đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực tham gia phát triển và vận hành thị trường. Ngoài ra, cần có cơ chế đưa cạnh tranh vào khâu đầu tư, ví dụ việc đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư các dự án theo tổng sơ đồ phát triển điện lực là một giải pháp nên được áp dụng. GS.TS. Nguyễn Minh Duệ, chuyên gia ngành năng lượng cho rằng, cần sớm đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu 3 tập đoàn kinh tế lớn là EVN, TKV và PVN; trong đó, tập trung đổi mới toàn diện mô hình tổ chức, phương thức quản lý kinh doanh, chiến lược đầu tư… nhằm tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích…

“Theo lộ trình phát triển ngành năng lượng, Chính phủ cần có những chính sách giá hợp lý cho từng giai đoạn đối với từng loại sản phẩm năng lượng. Theo đó, chính sách giá năng lượng cần phải được xây dựng phù hợp với chính sách phát triển kinh tế, xã hội và chính sách năng lượng quốc gia; có sự kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội và khả thi về tài chính…”, GS. TS. Nguyễn Minh Duệ nhấn mạnh. Ngoài ra, theo các chuyên gia, để thị trường năng lượng phát triển bền vững nhất thiết thị trường này phải được đa dạng hóa sở hữu và phương thức kinh doanh; thúc đẩy nhanh việc xóa bao cấp, xóa độc quyền tiến đến xóa bỏ hoàn toàn việc thực hiện chính sách xã hội thông qua giá năng lượng, góp phần thu hút và sử dụng vốn đầu tư một cách hiệu quả.

Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Võ Trí Thành cho rằng, có lẽ đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam phải xem xét và thay đổi lại Chiến lược phát triển năng lượng. Phải nhanh chóng xây dựng một thị trường năng lượng đúng nghĩa nếu không muốn đối diện với nguy cơ tụt hậu do không đảm bảo được an ninh năng lượng./.
;
Từ khóa: Tin tức khác

Bài liên quan