Thành công này đã giúp các doanh nghiệp tự tin hơn và năm 2014 hứa hẹn nhiều sôi động cho VCGM trước thềm hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ chính thức được khởi động vào cuối năm 2015.
Lạc quan và sôi động
Sau gần 2 năm triển khai, những tín hiệu tích cực của một thị trường có nhiều cạnh tranh giữa các nhà sản xuất điện đã được thể hiện rõ. Cụ thể, nhà máy nào chào giá thấp hơn sẽ được huy động trước và việc này công khai trên website. Đặc biệt, giá phát điện đã thể hiện được quan hệ cung - cầu: khi phụ tải ở những giờ cao điểm, giá điện của thị trường cũng cao, song trong giờ thấp điểm giá sẽ thấp hơn. Đặc điểm này đã góp phần khuyến khích các doanh nghiệp tăng khả năng sẵn sàng phát điện và có những chiến lược chào giá phù hợp để đảm bảo sản xuất - kinh doanh ổn định và có lãi.
Theo ông Nguyễn Đình Doãn - Giám đốc Công ty mua bán điện (EPTC) - cho biết: “Trong năm 2013, EPTC đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với 56 nhà máy điện với công suất 20.456 MW bao gồm 7 nhà máy điện BOT, 2 nhà máy năng lượng mới, 13 nhà máy nhiệt điện và 34 nhà máy thủy điện. Các nhà máy đều phải có công suất tối thiểu từ 30MW trở lên mới được tham gia VCGM, ngoài ra công ty cũng đã ký kết 28 hợp đồng sửa đổi bổ sung với các nhà máy điện tham gia thị trường điện liên quan tới các điều khoản về thanh toán trong và ngoài thị trường điện”.
Ngoài 48 nhà máy điện tham gia chào giá trực tiếp và 25 nhà máy điện gián tiếp tham gia thị trường điện, hiện tại EPTC đã và đang tiếp tục đàm phán với nhiều nhà máy điện khác. Trong khi đó, thông tin từ Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương cho biết, dự kiến năm 2014 có 29 nhà máy điện tạm thời gián tiếp tham gia thị trường điện và sẽ tham gia thị trường điện chính thức khi vận hành thương mại và có đủ điều kiện. Văn phòng Chính phủ đã ban hành ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải về thị trường phát điện cạnh tranh, trong đó yêu cầu chuyển 12 nhà máy điện đang gián tiếp tham gia thị trường điện sang trực tiếp tham gia thị trường điện. Đây là những thông tin đáng mừng, bởi không những làm tăng tính cạnh tranh của thị trường mà còn thể hiện sự lạc quan của doanh nghiệp khi thị trường bán buôn điện đang gần kề.
Tiếp tục bám sát mục tiêu
Nhiều doanh nghiệp khẳng định, từ khi thị trường được vận hành chính thức đến nay vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc, nhiều doanh nghiệp còn loay hoay trong công tác lập kế hoạch, tính toán chi phí để từ đó chào giá trên thị trường. Thêm vào đó, tình trạng nghẽn mạch của lưới truyền tải ở một số thời điểm cũng gây khó khăn cho công tác tham gia thị trường điện và ảnh hưởng đến kết quả vận hành thị trường điện.
Cũng theo ông Doãn, khi mới bắt đầu vận hành thị trường điện, các doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc trong việc thực hiện quy định thị trường điện và trong công tác phối hợp cung cấp số liệu, tính toán, đối chứng, kiểm soát và xác nhận bảng kê thanh toán thị trường. Đối với EVN EPTC, khối lượng công việc này cũng tăng lên rất nhiều do số lượng đơn vị phát điện tham gia thị trường điện ngày càng tăng. Tuy nhiên, phía công ty đã phối hợp tốt với các đơn vị liên quan để kiểm tra và xử lý các sai sót (nếu có) của Bảng kê thanh toán thị trường điện và cơ bản đáp ứng được mốc thời gian thực hiện theo quy định trong thị trường điện.
Nhằm bám sát kế hoạch của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2014 EPTC sẽ tập trung vào 2 mục tiêu chính, đó là sử dụng hợp lý các nguồn lực của công ty để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và góp phần đảm bảo mục tiêu chung của EVN là hợp lý hóa các chi phí cũng như đảm bảo thu nhập và đời sống cho cán bộ, công nhân viên trong công ty. Theo đó, EPTC sẽ tiếp tục duy trì hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 cũng như thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí, thực thi các giải pháp đảm bảo hệ thống đo đếm điện năng hoạt động chính xác. Đồng thời, nâng cao công tác đào tạo chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên, phát huy sáng kiến để tăng năng suất lao động và hiệu quả làm việc cũng như tập trung phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng các quy định, cơ chế, chính sách cho thị trường bán buôn điện.
Hiện ETPC đang quản lý, theo dõi 79 hợp đồng mua bán điện với tổng công suất là 24.455 MW, ước tổng sản lượng của cả năm 2013 đạt 91,27 tỷ kWh (chi phí mua điện ước đạt 103.431,2 tỷ đồng), chiếm 72% tổng sản lượng điện phát toàn hệ thống. Đối với phần nhập
khẩu điện từ Lào và Trung Quốc, tổng sản lượng điện mua là 3,19 tỷ kWh với
tổng chi phí phải thanh toán là 187,6 triệu USD và sản lượng điện xuất khẩu
sang Campuchia là 1,33 tỷ kWh với số tiền thu được là 112,9 triệu USD. |