Công ty Thủy điện Hòa Bình vừa tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập (1988 - 2013) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Với vai trò là nguồn điện chủ lực của hệ thống điện Việt Nam, kể từ khi phát điện tổ máy đầu tiên đến nay, Công ty đã sản xuất được trên 175 tỷ kWh.
Với vai trò là nguồn điện chủ lực của hệ thống điện Việt Nam, kể từ khi phát điện tổ máy đầu tiên đến nay, thủy điện Hòa Bình đã sản xuất được trên 175 tỷ kWh
Thủy điện Hòa Bình từng được mệnh danh là công trình thế kỷ bởi đây là dự án đầu tư xây dựng lớn nhất của đất nước khi đó. Đảng và Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ban ngành ở Trung ương và địa phương liên quan tập trung tạo điều kiện tốt nhất về nguồn vốn, nhân lực và vật lực cho công trình.
Sau 25 năm, thuỷ điện Hoà Bình đã thực sự phát huy vai trò là nguồn điện chiến lược đa mục tiêu, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Với tổng công suất lắp đặt 1.920MW (gồm 8 tổ máy), kể từ khi phát điện tổ máy đầu tiên đến nay, công ty đã sản xuất được trên 175 tỉ kWh.
Một số năm thuỷ điện Hoà Bình đã đạt sản lượng cao so với thiết kế là: 2007-2008, 2012, 2013 đạt từ 9-10 tỉ kWh. Tỉ trọng sản lượng điện sản xuất của Công ty so với toàn bộ hệ thống điện trong những năm đầu đi vào vận hành chiếm từ 30-40%.
Ngoài nhiệm vụ phát điện, thủy điện Hoà Bình với hồ chứa dung tích gần 10 tỉ mét khối đã tham gia tích cực và có hiệu quả vào việc chống lũ, đảm bảo an toàn cho Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có thủ đô Hà Nội. Cùng đó, là nhiệm vụ đảm bảo cấp nước, phục vụ đổ ải và gieo cấy. Hàng năm, riêng lượng xả từ hồ Hoà Bình khoảng từ 2-3 tỉ mét khối, chiếm 75-80% tổng lượng xả từ các hồ.
Hiện nay, Công ty đang thực hiện các dự án như: nâng cấp hệ thống điều khiển, bảo vệ, tín hiệu và đo lường cho 8 tổ máy của Nhà máy thủy điện Hòa Bình (tổng mức đầu tư trên 442, tỷ đồng), dự án cắm mốc lòng hồ, dự án nâng cấp các thiết bị quan trắc (tổng mức đầu tư khoảng 700.000 USD). Công ty đang chuẩn bị đầu tư dự án Hòa Bình 2, gồm 2 tổ máy với công suất 720 MW.
Trong Quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2017, sau khi thủy điện Lai Châu hoàn thành, các nguồn thủy điện công suất lớn xây mới ở trong nước không còn nữa, chỉ còn rất ít thủy điện vừa và nhỏ. Lúc đó, tổng công suất toàn hệ thống đến năm 2020 là 75.000 MW, trong đó, thủy điện giảm dần chỉ còn chiếm 23,1%.
Như vậy, trong hệ thống điện có quy mô lớn hơn gấp nhiều lần như hiện nay, các nhà máy thủy điện lớn như thủy điện Hòa Bình sẽ phải đảm nhận vai trò nặng nề hơn trong việc duy trì ổn định phương thức vận hành của hệ thống điện, đặc biệt là yêu cầu về điều chỉnh tần số, phủ đỉnh công suất lúc cao điểm và khả năng phản ứng nhanh nhạy trước các tình huống xấu khi có sự cố lớn trên hệ thống điện.