Năm 2013, sau khi trừ đi khoản lỗ lũy kế từ các năm trước dồn lại, Tập đoàn Điện lực Việt Nam còn lãi 120 tỷ đồng chủ yếu nhờ tình hình thủy văn thuận lợi cho thủy điện. Qua đó, tình hình tài chính của toàn Tập đoàn đã được cải thiện và cân đối.
Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho biết tại cuộc họp báo công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2012 của Bộ Công Thương mới đây.
Cụ thể, theo Bộ Công Thương để công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện, Bộ Công Thương thành lập Tổ công tác kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2012 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tổ công tác gồm đại diện: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH, Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Và trong tháng 9, 10 năm 2013, Tổ công tác đã kiểm tra thực tế tại EVN và một số đơn vị thành viên.
Kết quả là năm 2012, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 105,47 tỷ kWh; tỷ lệ tổn thất hệ thống điện là 8,85%, thấp hơn 0,38% so với thực hiện năm 2011 (9,23%) và thấp hơn 0,35% so với kế hoạch năm 2012 (9,2%).
Cụ thể, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2012 là 139.489,15 tỉ đồng (thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được tính giảm trừ trong chi phí sản xuất kinh doanh điện). Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2012 là 1.322,55 đ/kWh.
Trong đó, tổng chi phí khâu phát điện là 107.199,04 tỉ đồng; tổng chi phí khâu truyền tải điện là 8.771,55 tỉ đồng; tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 22.958,18 tỉ đồng; tổng chi phí khâu phụ trợ - quản lý ngành là 560,38 tỉ đồng.
Như vậy với doanh thu bán điện năm 2012 đạt được là 143.893,78 tỉ đồng (tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.364,31 đ/kWh) thì tính bình quân mỗi kWh điện, EVN lãi 41,76 đồng/kWh. Nếu nhân với sản lượng điện thương phẩm (105,47 tỉ kWh), EVN lãi 4.404,63 tỉ đồng. Vì phải bù tiếp các khoản lỗ chênh lệch tỷ giá còn tồn lại từ các năm trước nên năm 2013 EVN còn lãi 120 tỉ đồng. Theo như kế hoạch, tới năm 2015, lỗ do chênh lệch tỷ giá sẽ được bù đắp xong hoàn toàn.
Năm 2012 – 2013, EVN thuận lợi nhờ thủy điện. (Ảnh: Ngọc Thọ)
Cũng tại buổi họp báo, Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho hay, năm 2013, về tình hình tài chính trong sản xuất và kinh doanh điện thì tập đoàn đã cân bằng được tài chính, bù lỗ được 12.000 tỉ đồng do sản xuất kinh doanh và chênh lệch tỷ giá. Cụ thể, đến nay công ty mẹ và các công ty con cơ bản đáp ứng được yêu cầu vay vốn và đầu tư dự án mới. Tuy nhiên tình hình tài chính trong đầu tư thì còn rất khó khăn bởi nhiều đơn vị thuộc EVN có tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu vượt quá 3 lần, đặc biệt là các Tổng công ty phát điện số 1, 2, 3.
“Năm 2013, EVN đầu tư 123.000 tỉ đồng, năm 2012 là 110.000 tỷ đồng như vậy mỗi năm phải xoay xở vốn khoảng 5 tỉ USD. Trong khi đó 3 tổng công ty phát điện của EVN là EVNGENCO 1, 2, 3 hiện không thể vay được vốn vì có tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu vượt quá 3 lần, có đơn vị tới 5-6 lần. Công ty mẹ - tập đoàn thì nợ mới khoảng 1,8-2 lần nên phải đứng ra vay nhưng nếu về lâu dài cứ công ty mẹ đi vay mãi như thế này thì tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu sẽ tăng nhanh và chạm trần, vượt quy định cho vay của các tổ chức tín dụng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng kêu gọi cần có chính sách quyết liệt để thu hút các nhà đầu tư BOT, BTO, và sự vào cuộc trong đầu tư xây dựng nguồn điện của các tập đoàn kinh tế PVN, TKV giảm được gánh nặng và áp lực đáng kể cho EVN” - ông Tri tin tưởng.