Sau hơn 1 năm khởi công xây dựng, ngày 1/12/2013, Dự án Thủy điện Trung Sơn (xây dựng tại xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đã chính thức được ngăn dòng đợt 1. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã tham dự và phát lệnh ngăn sông.
Thực hiện lễ ngăn sông đợt 1 Thủy điện Trung Sơn
dự án Thủy điện Trung Sơn có tổng mức đầu tư 7.775.146 triệu đồng (tương đương 410,68 triệu USD). Nhà máy điện có 4 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 260 MW, sản lượng điện hàng năm 1.018,61 triệu kWh là nguồn bổ sung đáng kể cho lưới điện quốc gia. Theo tính toán, có trên 1.500 hộ (khoảng trên 7.000 người) chịu tác động trực tiếp tại khu vực chính của dự án, trên 600 hộ (khoảng gần 2.700 người) phải tái định cư. Đây là dự án thủy điện đầu tiên của Việt Nam được Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ.
Dự án do Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn làm chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý xây dựng và vận hành, Tổng công ty phát điện 2 (GENCO 2) là chủ sở hữu. Dự kiến phát điện tổ máy 1 và 2 vào quý IV/2016, tổ máy 3 và 4 phát điện vào quý I/2017, hoàn thành dự án vào tháng 8/2017.
Thủy điện Trung Sơn là dự án đa mục tiêu: Vừa cung cấp điện, vừa giúp kiểm soát lũ cho vùng hạ lưu với dung tích phòng lũ thường xuyên 112 triệu m3, tránh được lượng khí phát thải CO2 khoảng 1 triệu tấn mỗi năm. Bên cạnh vai trò cấp điện, dự án còn có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là cấp nước và cắt lũ.
Áp dụng 8/10 tiêu chuẩn quốc tế
Dự án này đã được chuẩn bị gần 9 năm (từ Quy hoạch điện VI) và đã có tới 4 phương án địa điểm được nghiên cứu. Việc lựa chọn Trung Sơn được cân nhắc kỹ lưỡng nhằm hạn chế tối đa các tác động về môi trường, xã hội, tuân thủ các yêu cầu và chính sách về an toàn của Ngân hàng thế giới. Ông Ngô Việt Hải - Tổng giám đốc GENCO 2 - cho biết, công trình thủy điện Trung Sơn đã áp dụng 8/10 tiêu chuẩn của quốc tế theo yêu cầu của WB với các công trình thủy điện. Đây là công trình thủy điện đầu tiên từ trước đến nay được thiết kế thêm một số hạng mục để tăng mức độ an toàn, như: Đập tràn sự cố (còn gọi là đập cầu trì) bảo vệ đập và nhà máy trong trường hợp lũ lớn nhất có thể xảy ra, góp phần tăng trữ lượng nước hồ chứa và tối ưu khả năng hoạt động của các cửa tháo nước; hệ thống cửa xả tự động gồm các bộ phận ghép nối, khi có lũ đột xuất, cửa đập sẽ tuần tự mở ra theo mức nước tràn. Giải pháp này tiết kiệm và lắp đặt nhanh, không cần nhiều chi phí bảo trì. Đặc biệt, công nghệ này không phát thải, không tiêu tốn dạng năng lượng nào khác ngoài lực tự nhiên của nước. Ngoài ra còn cống xả cát bảo vệ đập trong trường hợp cát bồi lắng lớn.
Theo Bà Victoria Kwakwa – Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, với điện lượng cung cấp 1 tỷ kWh/năm, đây là dự án năng lượng đa mục tiêu có phương thức bền vững về xã hội và thân thiện với môi trường, góp phần chống biến đổi khí hậu bằng cách giảm khoảng 1 triệu tấn CO2/năm so với các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch có công suất tương đương.
Phát biểu tại lễ ngăn sông, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương các đơn vị tham gia công trình đã nỗ lực hoàn thành các hạng mục thi công để ngăn sông đợt 1 đúng tiến độ. Phó Thủ tướng lưu ý các đơn vị nỗ lực triển khai các công việc tiếp theo để đảm bảo cho dự án thành công với yêu cầu cao về tiến độ, chất lượng, an toàn và môi trường của dự án.