Cùng với việc nhường đất xây dựng các dự án thủy điện (DATD), nhiều diện tích rừng đã phải chuyển đổi mục đích sử dụng để làm hồ chứa, đường thi công - vận hành, các cơ sở hạ tầng liên quan, phục vụ di dân, tái định cư... Theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ, cơ quan cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải đảm bảo việc đầu tư trồng rừng mới thay thế.
Tiến độ trồng rừng thay thế còn chậm
Hiện nay, việc trồng hoàn trả rừng của các DATĐ ở hầu hết các địa phương đã được quan tâm. Tại DATĐ Hòa Bình, UBND tỉnh Hòa Bình đã thành lập Ban quản lý bảo vệ rừng phòng hộ sông Đà để quản lý trên 80.000 ha rừng phòng hộ, hàng năm được giao kế hoạch trồng mới rừng và phối hợp với các xã rà soát quỹ đất, chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn, cây giống để trồng rừng. Các NMTĐ Tuyên Quang và Thác Bà đã trình Bộ TN&MT thẩm định Đề án bảo vệ môi trường (trong đó có công tác trồng hoàn trả rừng) và đang hoàn thiện, trình duyệt trong năm 2013 để thực hiện. Tỉnh Lào Cai đã trồng thay thế toàn bộ 215,91 ha bằng nguồn tiền bồi thường của chủ đầu tư dự án (tạm thu 15 triệu đồng/ha) kết hợp với ngân sách bảo vệ rừng và trồng rừng hàng năm của tỉnh; các đơn vị chuyên ngành lâm nghiệp sẽ thực hiện việc trồng rừng. Tại Tuyên Quang, DATĐ Chiêm Hóa đã trồng 37,574 ha (đạt 100% yêu cầu). Tỉnh Bắc Kạn có 3 DATĐ đã sử dụng 13,2 ha rừng, đến nay đã trồng được 5 ha và đang có kế hoạch trồng mới 70 ha rừng. Tỉnh Hà Giang có DATĐ Sông Chảy 5 đã lập kế hoạch triển khai trồng hoàn trả 6,5 ha rừng, dự kiến hoàn thành năm 2016.
Tuy nhiên, tiến độ trồng rừng thay thế nhìn chung còn rất chậm. Tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt 9 phương án trồng rừng thay thế, đến nay mới trồng được 28,5/520,4 ha và khoanh nuôi bổ sung 171,8 ha. Tỉnh Bình Định đã trồng rừng thay thế và khoanh nuôi 96,63 ha. DATĐ Sông Ba Hạ (Phú Yên) đã trồng thay thế 15,44 ha. Tỉnh Đắk Lắk đã trồng được 70 ha so với 262,5 ha theo yêu cầu bảo vệ môi trường của 05 DATĐ …
Có phương án trồng rừng mới được khởi công công trình
Theo báo cáo của Bộ Công Thương tại Quốc hội, nguyên nhân trồng rừng thay thế chậm là do nhiều tỉnh hiện không còn quỹ đất hoặc đất không phù hợp để trồng rừng. Nhiều chủ đầu tư gặp khó về tài chính. Một số địa phương chưa xác định được trách nhiệm trong việc bố trí đất trồng rừng hoặc đơn giá đền bù trồng rừng... Việc thực hiện cũng còn lúng túng giữa trách nhiệm và nghĩa vụ của địa phương và chủ đầu tư dự án trong việc bố trí đất thực hiện trồng rừng về loại cây trồng, chế độ chăm sóc, bảo vệ; về đơn giá trồng rừng (đối với trường hợp chủ đầu tư dự án không trực tiếp trồng rừng thay thế)...
Đặc biệt, chính sách trồng rừng thay thế mỗi nơi một kiểu. Lào Cai tạm thu 15 triệu đồng/ha tiền bồi thường rừng rồi giao việc trồng rừng cho ngành lâm nghiệp. Tỉnh Lâm Đồng đang dự kiến có thể thu tới 80 triệu đồng/ha với yêu cầu phải trồng cây thông thay thế. Nhiều tỉnh lại yêu cầu trồng cây bản địa... Hiện chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm của các bên liên quan xung quanh vấn đề trồng rừng thay thế. Bởi vì, Thông tư hướng dẫn vấn đề trên hiện Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn vẫn đang soạn thảo.
Rõ ràng, việc suy giảm rừng nhanh chóng không chỉ tác hại đến kinh tế mà còn ảnh hưởng rất lớn đến biến đổi khí hậu. Vì thế, việc tìm ra những giải pháp, chế tài để thực hiện hiệu quả nguyên tắc trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng là rất cần thiết.
Để đảm bảo thực hiện tốt công tác trồng bù rừng khi xây dựng thủy điện, Chính phủ đã có văn bản số 363/TB-VPCP ngày 31/10/2012 chỉ đạo Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư hướng dẫn trồng rừng thay thế đối với các dự án khi chuyển mục đích sử dụng đất có rừng sang xây dựng DATĐ. Theo đó, phải có phương án trồng rừng được duyệt bảo đảm tính khả thi thì mới được khởi công công trình; đối với những tỉnh không còn đất trồng rừng thay thế thì phải nộp số tiền theo dự án trồng rừng thay thế được duyệt về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Trung ương để Bộ NN&PTNT bố trí cho tỉnh khác còn quỹ đất trồng rừng thay thế thực hiện.
Đối với các dự án đã chuyển mục đích sử dụng rừng từ khi Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng có hiệu lực mà đến nay chưa trồng rừng thay thế thì phải trồng lại rừng nếu địa phương đó còn quỹ đất, nếu không còn quỹ đất thì phải nộp tiền theo hướng xử lý nêu trên.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Văn bản số 6759/VPCP-KTN ngày 05/8/2013, Bộ NN&PTNT đã và đang phối hợp với Bộ Công Thương và UBND các tỉnh tổ chức các Đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện trồng hoàn trả diện tích rừng của các DATĐ tại các địa phương để báo cáo Thủ tướng.
Bộ NN&PTNT vừa ban hành Thông tư quy định về trồng rừng thay thế. Theo đó, từ 1/7/2013, các tổ chức, cá nhân được phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phải có phương án trồng rừng thay thế với diện tích ít nhất bằng diện tích rừng đã chuyển đổi. Trường hợp tỉnh có rừng chuyển đổi không còn hoặc thiếu quỹ đất để trồng rừng thay thế thì phải bố trí trồng rừng thay thế ở tỉnh khác. Nếu chủ dự án không có điều kiện tổ chức trồng rừng thay thế thì có thể nộp tiền về Bộ NN&PTNT. Tổng số tiền, thời gian nộp do NN&PTNT quy định.