Thứ hai, 30/12/2013 | 15:34

Vốn cho các dự án nguồn điện (Bài cuối)

Năm  2013, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia được vinh danh từ các nỗ lực kiềm chế lạm phát, kiểm soát nợ công, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu… Đầu tư xây dựng nguồn điện cũng đang nỗ lực để tìm ra giải pháp giảm đầu tư công, đưa ra phương án để các

Vốn cho các dự án nguồn điện (Bài cuối)

Vốn cho các dự án nguồn điện (Bài cuối)

Năm 2013, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia được vinh danh từ các nỗ lực kiềm chế lạm phát, kiểm soát nợ công, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu… Đầu tư xây dựng nguồn điện cũng đang nỗ lực để tìm ra giải pháp giảm đầu tư công, đưa ra phương án để các dự án nguồn điện không phải lệ thuộc vào bảo lãnh của Chính phủ khi huy động vốn.

Bài cuối: Thực trạng và giải pháp

Ngành điện hiện nay đang có sự thay đổi lớn với sự đầu tư của nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và cả doanh nghiệp nước ngoài để xây dựng các dự án nguồn điện trên khắp cả nước. Tuy nhiên, các nhà đầu tư thuộc đủ mọi thành phần đều đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khá nan giải.

Trước đây, hầu hết các dự án đầu tư phát triển nguồn điện đều tập trung vào Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Nguồn vốn thực hiện các dự án gồm vốn trích từ lợi nhuận, quỹ khấu hao của EVN, vốn ngoài nước từ ODA đa phương (WB, ADB) và ODA song phương (JICA, AFD, KPF), huy động từ các quỹ tín dụng người bán, tín dụng người mua và tín dụng hỗ trợ xuất khẩu (ECA) hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.


Nhà máy Điện Nhơn Trạch II

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, một số các dự án đầu tư nguồn điện lớn đã được các doanh nghiệp trong nước tham gia như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Công ty Cổ phần Nhiệt điện An Khánh, Công Thanh, Thăng Long, Tập đoàn Tân Tạo… theo các hình thức PPP (đầu tư theo hình thức công tư), BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh)… Nguồn vốn của các doanh nghiệp này bao gồm vốn tự có và vốn vay. Thành phần cuối cùng là các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chủ yếu là các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) theo hình thức BOT (Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao). Nguồn vốn do doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trực tiếp hoặc liên kết đầu tư.

Thực trạng hiện nay, các doanh nghiệp Nhà nước như PVN, TKV đầu tư các nhà máy điện trong thời gian qua là do Chính phủ giao trách nhiệm tham gia cung ứng nguồn điện nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, không nhằm mục đích lợi nhuận. Đây chính là nút thắt cần điều chỉnh ngay để các tập đoàn trong nước có thể nhanh chóng tái đầu tư bởi chính các tập đoàn này cũng đang phải huy động vốn từ nước ngoài, một số dự án lớn đều phải có sự bảo lãnh của Chính phủ. Còn lại, các doanh nghiệp tư nhân và cổ phần, các dự án đầu tư vào ngành điện, các chủ đầu tư có nguồn vốn tự có rất hạn chế, nguồn vay nước ngoài cũng đòi hỏi phải có bảo lãnh của Chính phủ nên việc thu xếp vốn đầu tư bị kéo dài.

Gần đây, ngành điện đã thu hút sự quan tâm của nhiều tập đoàn quốc tế đầu tư các dự án điện ở Việt Nam. Điển hình là việc Tập đoàn Công nghiệp Enercon (CHLB Đức) cam kết huy động khoảng 1 tỉ euro và cung cấp thiết bị cho Dự án điện gió Sóc Trăng (2.600MW). Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã cho phép chỉ định một số nhà đầu tư nước ngoài như NMNĐ Dung Quất, 1.200MW (Sembcorp, Singapore), NMNĐ Sông Hậu II, 2.000MW (Toyo Ink, Malaysia), NMNĐ Quảng Trị, 1.200MW (Egati, Thái Lan), NMNĐ Long Phú II (Tata Power, Ấn Độ)… Việc tăng dự án đầu tư theo hình thức BOT nước ngoài cũng là giải pháp giảm bớt gánh nặng về nhu cầu vốn, tuy nhiên các dự án này đều chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân.

Để tìm ra hướng đi từ thực trạng đáng lo ngại khi thu xếp vốn cho các dự án nguồn điện nêu trên, tại Hội thảo “Vốn cho các dự án điện của đất nước và những vấn đề cấp bách”, EVN, các nhà đầu tư trong nước, quốc tế cùng các tổ chức tín dụng đã thảo luận thống nhất đưa ra một số giải pháp có tính quyết định để tìm hướng ra cho đầu tư nguồn điện Việt Nam. Trong đó nổi bật là điều chỉnh Quy hoạch điện VII, chính sách giá điện, đẩy mạnh phát triển thị trường điện cạnh tranh…

Đầu tiên, Viện Năng lượng, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đều cho rằng, cần điều chỉnh Quy hoạch điện VII để xác định chính xác nhu cầu đầu tư trong những năm tới, đồng thời tiến hành rà soát, đánh giá lại toàn bộ tác động môi trường, tiến độ đầu tư xây dựng của các dự án nguồn điện đã, đang và có thể xây dựng tại Việt Nam. Mặt khác, hội thảo cũng thống nhất ý kiến đề nghị Chính phủ ban hành chính sách giá điện hợp lý, minh bạch để tạo điều kiện cơ bản cho hoạt động của thị trường điện. Đây là giải pháp đặc biệt quan trọng nhằm tạo thêm nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

Các tổ chức tín dụng và nhà đầu tư cho rằng “Thị trường điện cạnh tranh” chính là nhân tố đảm bảo thu hút các nguồn vốn đầu tư, phát triển thị trường điện cạnh tranh là xu hướng phát triển chung của các nước trên thế giới, là động lực cho hoạt động hiệu quả sản xuất kinh doanh điện và phát triển kinh tế xã hội. Trong năm vừa qua, thị trường phát điện cạnh tranh phát triển còn chậm và chưa đầy đủ các thành phần tham gia. Tuy đạt được những kết quả nhất định như số lượng các nhà máy sản xuất điện tham gia chào giá trực tiếp trên thị trường ngày càng tăng nhưng số lượng vẫn còn hạn chế.

Cuối cùng, để làm minh bạch thị trường điện là cần thành lập một “Đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực”, đơn vị này phải có tính độc lập đối với EVN, có nhiệm vụ điều tiết giá trên thị trường để các bên đều có lợi nhuận và người dân dùng điện được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Có thể thấy rằng, để thu xếp số vốn hơn 1,2 triệu tỉ đồng để đầu tư các dự án xây dựng nguồn điện là bất khả thi. Có thể nói, những năm vừa qua, các quốc gia gặp khủng hoảng kinh tế trầm trọng do vỡ nợ công là những tấm gương cho Việt Nam thận trọng khi đầu tư nguồn điện. Để có thể tránh được việc đầu tư dàn trải, chủ quan, lãng phí Chính phủ cần nhiều biện pháp mạnh hơn nữa như truy cứu trách nhiệm, dẹp bỏ ngay các dự án nguồn điện không hiệu quả, lãng phí thời gian, tài nguyên đất nước, gây hại đến môi trường, nhân dân. 

;
Từ khóa: Tin tức khác

Bài liên quan