Thứ năm, 19/12/2013 | 11:02

Vốn đầu tư cho các dự án điện

Từng bước tiến tới thị trường điện cạnh tranh cùng với việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành điện là giải pháp quan trọng thu hút vốn đầu tư cho các dự án điện.

Vốn đầu tư cho các dự án điện

Vốn đầu tư cho các dự án điện

Từng bước tiến tới thị trường điện cạnh tranh cùng với việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành điện là giải pháp quan trọng thu hút vốn đầu tư cho các dự án điện.


 Ảnh: Năng lượng Việt Nam

Đó là quan điểm của nhiều chuyên gia tại Hội thảo khoa học: Vốn cho các dự án điện của đất nước và những vấn đề cấp bách, tổ chức ngày 13/12, tại Hà Nội.

Nhu cầu vốn lớn

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, để đạt mục tiêu chiến lược đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thì một trong những điều kiện cần và đủ là cơ sở hạ tầng năng lượng nói chung và cơ sở hạ tầng điện lực nói riêng phải được đáp ứng. Căn cứ vào Quy hoạch điện VII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ tính riêng nhà máy nhiệt điện chạy than phải xây dựng là trên 50 nhà máy. Ngoài ra, còn có các nhà máy nhiệt điện chạy khí, thủy điện, điện hạt nhân…Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho toàn ngành trong giai đoạn 2011-2030 ước khoảng 123,8 tỷ USD; trong đó, giai đoạn 2011-2020 là 48,8 tỷ USD. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai các dự án còn rất chậm mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vốn trầm trọng, một số dự án còn chưa rõ nguồn vốn.


 Đề cập sâu hơn về vấn đề này, ông Dương Quang Thành, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Thời gian qua, công tác thu xếp vốn và đầu tư xây dựng các dự án điện của EVN nói chung và nguồn điện nói riêng gặp không ít khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính trên thế giới, cùng với đó là do ảnh hưởng của các yếu tố đầu vào như giá nhiên liệu, giá điện chưa thu hút nhà đầu tư… khiến việc huy động vốn đầu tư nguồn và lưới điện trong Quy hoạch điện VII càng trở nên khó khăn. Trong khi đó, việc thiếu vốn tự tích lũy (không đạt 25%) cũng làm cho EVN khó đàm phán vay thêm vốn của các tổ chức tài chính như Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới… “Khả năng tiếp cận và thu xếp vốn đầu tư cho các dự án nguồn điện mới luôn là thách thức, khó khăn lớn với EVN” – ông Dương Quang Thành trăn trở.

Chia sẻ khó khăn này, đại diện Ngân hàng Nhà  nước bày tỏ, việc thu xếp vốn cho các DN ngành điện thời gian qua là tương đối khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do vốn đầu tư của các dự án điện lớn, thời gian thu hồi vốn dài; giá điện vẫn chưa hấp dẫn nhà đầu tư vào ngành điện; việc cho vay vốn đối với những dự án điện, nhất là các dự án thủy điện nhỏ và vừa gặp nhiều rủi ro…

Đâu là giải pháp?

Nhằm gỡ khó trong vấn đề vốn cho các dự án điện, tại Hội thảo, đại diện Viện Năng lượng thuộc Bộ Công thương đề xuất, trong thời gian tới, cần điều chỉnh định hướng phát triển kinh tế, hướng tới những ngành ít sử dụng năng lượng nhiều hơn nữa nhằm giảm cường độ sử dụng năng lượng; các chủ đầu tư cần huy động mọi nguồn vốn vay thông thường cũng như vay ưu đãi; chủ đầu tư cần tiết kiệm tối đa vốn đầu tư bằng cách tránh lãng phí…

Ông Bùi Văn Thạch, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, chúng ta không thiếu vốn đầu tư cho các dự án điện mà vấn đề cốt lõi hiện nay là thiếu cơ chế tạo vốn.

“Ở một nền kinh tế, giá bán điện quá thấp so với giá thành thực tế trong một thời gian dài làm sao có thể thu hút được nhà đầu tư đầu tư vào ngành điện?” - ông Bùi Văn Thạch nêu quan điểm, và ông nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần tạo tâm lý sử dụng điện theo giá thị trường nhằm tạo sức cạnh tranh cho ngành điện, lôi cuốn nhiều hơn nữa sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước và FDI. Có như vậy, vốn đầu tư cho các dự án điện sẽ dồi dào hơn rất nhiều. Khi đó,  mới hút được nhiều vốn đầu tư phát triển năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng phát triển bền vững của ngành điện trong tương lai.

Bàn về nội dung này, ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam kiến nghị, đầu tư cho ngành điện là rất cần thiết đối với phát triển kinh tế của đất nước. Để huy động vốn đầu tư cho các dự án điện, việc đẩy mạnh xã hội hóa nhằm phát huy tiềm năng của các nhà đầu tư trong nước đối với các dự án điện là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề xuất, ngành điện cần thực hiện tiết kiệm nhiều hơn nữa nhằm giảm chi phí; đẩy mạnh tái cơ cấu Ngành… Đây sẽ là những giải pháp quan trọng nhằm giải quyết vốn đầu tư cho các dự án điện của đất nước hiện nay cũng như trong tương lai.


;
Từ khóa: Tin tức khác

Bài liên quan